Việc xây dựng đường gom, hàng rào nhằm xóa bỏ đường ngang dân sinh bất hợp pháp qua đường sắt theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ đã và đang vào giai đoạn nước rút. Tại Khánh Hòa, dự kiến đến hết tháng 12 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công trình theo thiết kế.
Việc xây dựng đường gom, hàng rào nhằm xóa bỏ đường ngang dân sinh bất hợp pháp qua đường sắt theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ đã và đang vào giai đoạn nước rút. Tại Khánh Hòa, dự kiến đến hết tháng 12 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công trình theo thiết kế.
Giai đoạn nước rút
Những ngày này, không khí làm việc tại các công trình xây dựng đường gom, hàng rào tại tuyến đường sắt đi qua xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) và thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) đang vào giai đoạn nước rút nên rất nhộn nhịp.
Tại thị trấn Vạn Giã, khu vực có tuyến đường sắt đi qua, người dân sống hai bên đường rất háo hức khi đoạn đường gom sắp hoàn thành. Ông Võ Lục Phẩm - Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết: “Trước đây, việc đi lại ở khu vực này rất phức tạp. Hàng ngày, người dân đi băng qua đường sắt, tai nạn giao thông luôn rình rập. Những năm qua, địa phương đã nghĩ đến việc xây dựng đường cho dân đi nhưng do không có kinh phí, mặt khác đất thuộc hành lang an toàn (HLAT) đường sắt nên không làm được. Nay được ngành Đường sắt đầu tư làm đường, địa phương rất phấn khởi”.
Ở xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, không khí lao động rất khẩn trương. Anh Bùi Văn Quang - Phụ trách kỹ thuật thi công công trình, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh chia sẻ, mấy ngày trước trời mưa kéo dài nên việc thi công bị gián đoạn. Hiện nay thời tiết thuận lợi, chúng tôi huy động thêm lực lượng, động viên anh em công nhân đẩy nhanh tiến độ. Quá trình thực hiện, tại khu vực này một số người dân phản ánh về chất lượng công trình. Tuy nhiên, sau khi giải thích cụ thể về cấp độ của công trình đường gom, người dân đã đồng tình ủng hộ nên việc thi công thuận lợi hơn. Theo tiêu chuẩn chung của cả nước, đối với hệ thống đường gom, chỉ đổ 10cm cát lu nền chặt, sau đó đổ 16cm bê tông.
Đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng, thực hiện dự án tại xã Vĩnh Hiệp |
Ông Trần Văn Sinh, tổ 13, khu C, Vĩnh Điềm Thượng, Vĩnh Hiệp cho biết, đa số người dân sống hai bên đường rất ủng hộ việc xây dựng đường gom. Thời gian qua, để thuận tiện việc đi lại, người dân đã phải tự mở đường ngang băng qua đường sắt. Do khu vực này mặt đường sắt cao hơn nhà dân, nên người dân phải đổ đất, đá làm tràn dốc cao ngang đường sắt. Mỗi lần chạy xe lên dốc băng qua đường sắt, người điều khiển xe phải tăng tốc, không kịp quan sát nên rất nguy hiểm. Khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người.
Hiệu quả từ Dự án 1856
Tại Khánh Hòa, thực hiện giai đoạn II Quyết định số 1856 của Chính phủ phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLAT đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục những vi phạm nổi cộm trên HLAT giao thông đường sắt như tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình khác chồng lấn với HLAT giao thông đường sắt; xây dựng đường ngang, hàng rào đường gom, cầu vượt, hầm chui... Các địa phương có đường sắt đi qua có biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân sinh sống ven đường sắt chấp hành các quy định về an toàn đường sắt.
Theo thống kê của ngành Đường sắt, Khánh Hòa có 150km đường sắt đi qua (kéo dài từ xã Đại Lãnh, Vạn Ninh đến hết xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh) và chủ yếu chạy qua khu dân cư, đô thị. Toàn tuyến có 271 đường ngang dân sinh, trong đó có tới 186 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp và 85 đường ngang hợp pháp. |
Nhằm khắc phục tình trạng đường ngang dân sinh bất hợp pháp, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã huy động, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư của ngành để hoàn tất việc xây dựng hệ thống đường gom, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ HLAT đường sắt. Năm 2013, ngành Đường sắt đã tiến hành cải tạo kết cấu hạ tầng 14 vị trí đường ngang trong phạm vi quản lý bằng nguồn vốn của Chính phủ và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp hình thức phòng vệ 2 vị trí từ biển báo lên thiết bị cảnh báo tự động tại tuyến Tỉnh lộ 3 và đường Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh). Đồng thời xây dựng hầm chui tại tổ 12 Tây Bắc, phường Vĩnh Hải (Nha Trang); đường ngang cảnh báo tự động tại thôn Tư Thãnh, Suối Hiệp (Diên Khánh); xây dựng gần 2.400m đường gom, hàng rào tại khu vực thị trấn Vạn Giã - xã Vạn Phú (Vạn Ninh) và xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang).
Ông Bùi Sỹ Do - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban quản lý dự án KV3 (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, so với các địa phương khác, việc thực hiện giai đoạn II Quyết định 1856 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra khá thuận lợi. Tuy còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí (mới chỉ được cấp 20% trong tổng nguồn vốn) nhưng Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã khắc phục mọi khó khăn để triển khai tốt dự án. Đến thời điểm này, đơn vị đã thi công hoàn thành 70% khối lượng công trình theo thiết kế. Theo kế hoạch, nếu thời tiết thuận lợi, đến hết tháng 12-2013 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công trình.
Hiện nay, ngoài các vị trí đường gom đã và đang được đầu tư xây dựng, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn đọng chung quanh hệ thống đường sắt, liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn cho các khu dân cư nơi đường sắt chạy ngang qua. Việc vi phạm HLAT đường sắt vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện vẫn còn nhiều vị trí người dân tự mở đường ngang rất phức tạp như khu vực xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), trên chiều dài chưa đầy 500m đường sắt đi qua nhưng có tới 24 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp; xã Cam Phước Đông (Cam Ranh); xã Suối Hiệp (Diên Khánh)... tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được.
Để đảm bảo ATGT, bên cạnh xây dựng các công trình, đường gom, điều cần thiết trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATGT đường sắt. Song song đó, các địa phương phải thực hiện nghiêm việc không cấp đất, không cho dân xây dựng các công trình vi phạm HLAT giao thông đường sắt, không cho mở đường ngang trái phép qua đường sắt...
CẨM VÂN