09:12, 23/12/2013

Gắn kết sức mạnh để ngư dân bám biển

Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá góp phần xây dựng tình đoàn kết của ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển. Do đó, thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân để nhân rộng mô hình này.

Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá góp phần xây dựng tình đoàn kết của ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển. Do đó, thời gian tới, Công đoàn (CĐ) tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân để nhân rộng mô hình này.  


Mô hình điểm


Những năm gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn bị tàu lạ đe dọa, bắt giữ thuyền viên; tịch thu, phá hủy tàu thuyền và hải sản; bên cạnh đó thiên tai luôn rình rập, đe dọa ngư dân. Ngày 18-12 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với CĐ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang. Đây là nghiệp đoàn đầu tiên của tỉnh.


Tại buổi thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, có 112 ngư dân viết đơn tự nguyện xin gia nhập. Ông Trần Văn Đi (tổ 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) có 25 năm đi biển, chủ 2 tàu cá KH-96662 và KH-90046 nói: “Hai tàu cá có công suất 230CV của gia đình tôi có 22 thuyền viên, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Trường Sa và DK1. Trong quá trình vươn khơi, chúng tôi luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy của thời tiết, biển khơi và tàu thuyền nước ngoài. Có những lúc tàu bị hỏng máy, đơn độc trên biển, chúng tôi không biết phải xử trí thế nào. Khi CĐ thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, tôi đã tình nguyện xin gia nhập. Nghiệp đoàn là nơi để chúng tôi sát lại bên nhau, thắt chặt tình đoàn kết, cùng chia sẻ ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn”.

 

Thành lập nghiệp đoàn nghề cá sẽ góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ nhau khi ngư dân gặp rủi ro, hoạn nạn.
Thành lập nghiệp đoàn nghề cá sẽ góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ nhau khi ngư dân gặp rủi ro, hoạn nạn.

 

Ông Phạm Tĩnh (tổ 7 Hà Ra, phường Vĩnh Phước) - chủ tàu 410CV mang số hiệu KH-97579 cho biết, với nghề đánh bắt hải sản, phần lớn thời gian của ngư dân ở trên biển nên những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ít được nắm bắt. Do đó, khi vào nghiệp đoàn, mọi người sẽ được tuyên truyền rộng rãi về các chủ trương, chính sách. Từ đây, ngư dân có thể liên kết, hỗ trợ nhau trên biển cũng như trên bờ. Nghiệp đoàn sẽ là nơi tiếp thu ý kiến của ngư dân để phản ánh đến các cấp, ngành chức năng ở tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển.

 


Theo ông Lê Trọng Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, từ nay, khi ra khơi, đoàn viên CĐ của Nghiệp đoàn Nghề cá không còn đơn lẻ mà giúp đỡ lẫn nhau khi có bất trắc trên biển. Mặt khác, tổ chức CĐ là chỗ dựa để gia đình đoàn viên chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Ngư dân đã tự nguyện gắn bó với nhau, đoàn kết, tập hợp thành Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước. Họ sẽ cùng đi đánh bắt cá theo tổ, đội để giúp đỡ nhau trước sóng to gió lớn của biển khơi; thông báo cho nhau vị trí nào có nhiều cá để cùng đánh bắt, giúp nhau khi tàu bị chết máy, gặp nạn... Họ không chỉ giúp nhau khi đi biển mà còn đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn hay đau ốm. Tôi tin rằng, Nghiệp đoàn sẽ hoạt động có hiệu quả, giúp mỗi con tàu, mỗi ngư dân vững tin ra khơi”, ông Hải nói.

 


Tiếp tục nhân rộng

 


Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000 tàu khai thác hải sản, trong đó có hơn 900 tàu có công suất từ 90CV trở lên đánh bắt ở Trường Sa, DK1 và Hoàng Sa. Những năm gần đây, bão tố thường xuyên xảy ra gây vô vàn khó khăn cho ngư dân trên biển, có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, thu tàu và ngư lưới cụ. Bên cạnh đó, hầu hết lao động nghề biển phải đối mặt với các vấn đề mất an toàn lao động, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng chưa được đảm bảo. Vì vậy, việc hình thành nghiệp đoàn nhằm tập hợp ngư dân làm việc trên tàu thành tổ chức CĐ cơ sở để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến tận chủ tàu và người lao động, giúp họ hiểu biết và tự giác chấp hành. Tổ chức này sẽ gắn kết ngư dân, tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết cùng đánh bắt, tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn trên biển, đảm bảo an toàn và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 


Nghiệp đoàn nghề cá là tổ chức nghề nghiệp của cộng đồng ngư dân, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân, tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp để khai thác nguồn lợi hải sản, phát huy nội lực để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá ở các địa phương có ngư dân, đồng thời nghiên cứu thành lập nghiệp đoàn tàu du lịch”.

 


PHÚ VINH