10:12, 31/12/2013

Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân

Thời gian qua, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người lao động. Từ đó, người lao động an tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Thời gian qua, các cấp công đoàn (CĐ) đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người lao động (NLĐ). Từ đó, NLĐ an tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.


Tích cực phổ biến pháp luật


Hiện nay, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) có hơn 5.000 lao động. Các chế độ, chính sách, quyền lợi của công nhân (CN) luôn được đơn vị thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Do đó, hầu hết NLĐ làm việc ở đây có cuộc sống ổn định, gắn bó với DN; đặc biệt là nắm rõ và chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy của DN... Kết quả đó có sự nỗ lực rất lớn từ phía CĐ Khatoco trong việc vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CN.  


Ông Hồ Thượng Hải - Chủ tịch CĐ Khatoco cho biết: “Năm 2013, chúng tôi đã thành lập Tổ tư vấn pháp luật cho CN nhằm giúp họ cập nhật thông tin, hiểu biết rõ hơn về nghĩa vụ, quyền lợi của mình, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng trang web “Diễn đàn tiếng nói NLĐ”, bản tin nội bộ để CN nắm bắt và trao đổi về mọi vấn đề vướng mắc trong công việc, giúp lãnh đạo đơn vị kịp thời điều chỉnh”. Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.


Công ty TNHH Long Hiệp (Khu công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) cũng rất chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CN. Chị Nguyễn Thị Hải - CN Công ty cho biết: “Tôi làm việc ở đây đã 6 năm. Năm nào Công ty cũng tổ chức phổ biến pháp luật cho chúng tôi. Bên cạnh đó, thông qua hội nghị NLĐ, hộp thư góp ý, chúng tôi đã tham gia góp ý xây dựng các quy định liên quan đến chế độ, quyền lợi của mình. Nhờ thế, những quy định pháp luật cơ bản đều được chúng tôi nắm bắt”…


Hướng về cơ sở


Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới CN là một trong những việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp CĐ trong tỉnh. Hoạt động này đã tác động rất rõ đến việc nâng cao hiểu biết về chính sách, chế độ, quyền lợi của CN. Nhờ vậy, năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã không để xảy ra cuộc đình công, lãn công nào. Những CN có vướng mắc về quyền lợi đều đã tìm đến các tổ tư vấn pháp luật của CĐ để được tư vấn, kịp thời giải quyết.

 

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tư vấn pháp luật cho người lao động.
Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tư vấn pháp luật cho người lao động.


Năm 2013, các cấp CĐ trong tỉnh đã lồng ghép hơn 130 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 16.000 CN về nghị quyết của CĐ, Bộ Luật Lao động và Luật CĐ, góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992..., góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho NLĐ. Vào những ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, các cấp CĐ đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: Mít tinh, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi... CĐ tỉnh đã phát hành 2 kỳ “Bản tin CĐ” với 3.000 bản, 1.000 tờ áp phích tuyên truyền, in 1.600 cuốn Văn kiện Đại hội IX CĐ tỉnh và gần 2.500 cuốn sổ tay pháp luật lao động và CĐ. Bên cạnh đó, CĐ tỉnh còn phối hợp với Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về pháp luật lao động; xây dựng thư mục “Tư vấn pháp luật” trên website CĐ Khánh Hòa, thu hút hơn 1.500 lượt người truy cập/ngày. Ngoài ra, từ các nguồn kinh phí chương trình quốc gia, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hơn 40 lớp tập huấn, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm… tại các CĐ cơ sở cho hơn 4.000 CN.


Doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa thực sự quan tâm


Ông Nguyễn Hòa nhìn nhận, hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho CN trong các DN ngoài Nhà nước vẫn còn khá hạn chế, chậm đổi mới, nặng về triển khai bằng văn bản; một số chương trình phối hợp tuyên truyền thực hiện chưa hiệu quả... Nguyên nhân là do năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ CĐ trong loại hình DN này chưa cao; làm việc thiếu sáng tạo; nhiều chủ sử dụng lao động chưa tạo điều kiện và hợp tác với CĐ trong việc vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở...


Bên cạnh đó, số lượng CN đông, lại thường xuyên biến động, đời sống còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền pháp luật cho CN còn hạn chế. Chính vì vậy, để công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho NLĐ đạt hiệu quả cao, CĐ tỉnh đã xây dựng Chương trình “Nâng cao nhận thức pháp luật lao động cho đoàn viên, NLĐ tại các DN ngoài Nhà nước giai đoạn 2013 - 2018”. Theo đó, năm 2014, các cấp CĐ sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Lao động, Luật CĐ, Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua cho CN trong các DN ngoài Nhà nước. Các hình thức tuyên truyền được sử dụng linh hoạt như: Tuyên truyền miệng, qua hệ thống thông tin đại chúng, qua tư vấn, hòa giải, qua tủ sách pháp luật, tài liệu bỏ túi, băng đĩa CD, qua hệ thống loa truyền thanh ở DN, qua các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Ngoài ra, cán bộ CĐ phải lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ sở, của NLĐ và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại DN nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ; khuyến khích CĐ cơ sở xây dựng bảng tin nội bộ và tủ sách pháp luật. Qua đó, giúp CN hiểu biết về kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật…


VĂN GIANG