08:12, 26/12/2013

Chú trọng nâng cao chất lượng dân số

Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Năm 2014, công tác dân số Khánh Hòa sẽ chú trọng triển khai các mô hình nâng cao chất lượng DS, trong đó ưu tiên cho các hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa cho biết: Năm 2014, công tác DS Khánh Hòa sẽ chú trọng triển khai các mô hình nâng cao chất lượng DS, trong đó ưu tiên cho các hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi (NCT).

 

Khánh Hòa là một trong 24 tỉnh, thành phố có mức sinh ổn định. Năm 2013, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,93 con; tỷ số giới tính khi sinh là 109 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc đạt 15,6%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc đạt 20%; tỷ suất sinh đạt 15,64‰, mức giảm tỷ suất sinh đạt 0,31‰; tỷ lệ phát triển DS chung 1,7%. Số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 77,3%, tăng 0,9% so với năm 2012; số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai mới là 96.703 cặp, tăng 18% so với kế hoạch. Chất lượng DS cũng có nhiều thay đổi tích cực: Tuổi thọ trung bình dân số đạt 72,6 tuổi; tỷ số chết mẹ giảm xuống còn 13/100.000 trẻ sinh sống; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 6,4‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 10,5%. Những số liệu này cho thấy, DS Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 


Có được kết quả trên là nhờ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai thí điểm thành công các mô hình nâng cao chất lượng DS; triển khai Đề án Kiểm soát DS vùng biển, đảo và ven biển có hiệu quả; đặc biệt nhiều chương trình truyền thông bề nổi triển khai có chất lượng và sâu rộng đến các địa bàn dân cư, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm đều được các địa phương thực hiện đạt và vượt kế hoạch.

 

Người cao tuổi cần được chăm sóc tốt.
Người cao tuổi cần được chăm sóc tốt.

 

Tuy nhiên, hiện nay DS Khánh Hòa đang đối diện với nhiều thách thức: Số phụ nữ từ 15-49 tuổi chiếm 33,1%, dự báo số sinh sẽ tiếp tục tăng; nhu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng đa dạng và chất lượng hơn; nhiều địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh với tỷ lệ cao như Vạn Ninh 122%, thị xã Ninh Hòa 113,3%; chỉ tiêu sàng lọc trước sinh 10% và sơ sinh 23% còn thấp so với 16.000 trẻ em sinh ra mỗi năm; tỷ suất sinh 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh còn cao (trên 20‰), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn trên 22%; tỷ lệ NCT trên 10% DS, đưa Khánh Hòa vào giai đoạn già hóa DS; tâm lý người dân vẫn còn ảnh hưởng thói quen Nhà nước bao cấp về dịch vụ KHHGĐ; đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở luôn biến động làm ảnh hưởng đến chất lượng thống kê số liệu DS, từ đó việc triển khai các chương trình DS gặp khó khăn...

 


Để giải quyết những thách thức này, tại lễ kỷ niệm ngày DS Việt Nam vừa qua, với chủ đề: “Già hóa DS - Những thách thức trong CSSK NCT”, ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, mục tiêu đề ra trong năm 2014 của ngành DS là: Giảm tỷ suất sinh 0,2‰ và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,25%. Để đạt mục tiêu này, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền tốt các sự kiện, chiến dịch truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng; cung cấp tốt các dịch vụ DS-KHHGĐ cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng đẩy mạnh thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS như: Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án Sàng lọc trước sinh - sơ sinh; can thiệp giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại một số vùng đồng bào dân tộc ít người; kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đặc biệt ưu tiên thực hiện Mô hình CSSK NCT dựa vào cộng đồng... Qua đó, can thiệp có hiệu quả đến cơ cấu DS và chất lượng DS.

 


Theo bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, để các hoạt động đạt hiệu quả, cần triển khai tốt công tác truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, đổi mới phương thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tế mỗi địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình tiếp thị phương tiện tránh thai và các chương trình xã hội hóa dịch vụ CSSK sinh sản, KHHGĐ. Ngoài ra, các địa phương có mức sinh cao cần cung cấp phương tiện tránh thai kịp thời, đúng đối tượng, có chất lượng. Khuyến khích các địa phương xây dựng các mô hình đặc thù, các hình thức phối hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK cho người dân vùng biển, đảo và ven biển. Những địa phương nào ổn định mức sinh, cần chủ động triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS; thực hiện các giải pháp khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; xây dựng các chính sách, mô hình phù hợp để động viên, khuyến khích những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái không sinh thêm con thứ 3 trở lên.

 


Lưu Khánh