Với những người làm công tác hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, việc này được ví như đường dài gập ghềnh. Qua nhiều năm triển khai, dẫu đường đi đã bằng phẳng hơn, nhưng vẫn chưa hết gồ ghề.
Với những người làm công tác hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, việc này được ví như đường dài gập ghềnh. Qua nhiều năm triển khai, dẫu đường đi đã bằng phẳng hơn, nhưng vẫn chưa hết gồ ghề.
Đường xa bớt gập ghềnh
Một cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa tâm sự, khoảng 20 năm trước, các chị treo khẩu hiệu tuyên truyền sử dụng bao cao su ở trụ sở UBND phường sẽ gặp phản ứng dữ dội. Có người dân còn nói các chị đang “tiếp tay” cho tệ nạn mại dâm, dạy trẻ em hư! Nhưng mưa dầm thấm lâu, tới nay, nhiều người đã hiểu các chị đang góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khảo sát cũng cho thấy, đa số người bán dâm hoàn lương đều khao khát vươn lên, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, lại chưa có sự động viên, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học nghề hoặc thiếu vốn sản xuất kinh doanh nên nguy cơ tái sa ngã rất cao.
Khánh Hòa hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập (năm 2009). Ngày 14-11-2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6607, trong đó nêu “hỗ trợ người bán dâm giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực, bóc lột tình dục;… hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm sau khi bị xử lý hành chính”.
|
Vì vậy, bên cạnh tăng cường phòng, chống mại dâm (PCMD), tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, như triển khai mô hình Tư vấn, giúp đỡ cho vay vốn tạo việc làm bền vững theo Nghị quyết số 25/2009 của HĐND tỉnh, áp dụng với hộ có người nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sử dụng đối tượng trên. Mô hình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, đã có 32 đối tượng (17 người bán dâm hoàn lương) được vay vốn với 236 triệu đồng. Tháng 12 này, thêm 10 đối tượng được vay tổng số 100 triệu đồng. Hiện nay, 95% số đối tượng sử dụng hiệu quả vốn vay, bước đầu ổn định kinh tế gia đình, không quay lại đường cũ. Mô hình Tư vấn chính sách, quản lý giám sát và giúp đỡ cho vay vốn, tạo việc làm bền vững cho nhóm đối tượng bán dâm và nguy cơ cao do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với UBND xã, phường thực hiện đã thành lập được 4 câu lạc bộ (CLB) Niềm tin tại phường Phước Long (Nha Trang), thị trấn Diên Khánh (năm 2011) và phường Vĩnh Hòa (Nha Trang), xã Diên Toàn (Diên Khánh) năm 2012. Các CLB đã xây dựng được gần 78 cộng tác viên, hỗ trợ hoàn lương 2 người, giúp 20 người có nguy cơ cao...
Bên cạnh đó là sự hoạt động tích cực của nhiều nhóm tự lực như nhóm Sóng Biển, CLB Hoa Biển… Năm 2013, nhóm Sóng Biển đã tiếp cận được 340 người, phối hợp khảo sát khoảng 100 chị em có nhu cầu và định hướng cho chị em đan móc giỏ để bán tại các hội thảo... CLB Hoa Biển tạo lập được 25 cộng tác viên là chủ các cơ sở vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn ở Nha Trang, qua đó, dễ tiếp cận người bán dâm hơn. Chị Nguyễn Thị Phúc, nguyên Chủ nhiệm CLB cho biết, có chị em hành nghề nhiều năm, sức khỏe suy giảm nhiều. Họ rất vui khi được tham gia CLB, được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, được vay vốn tiết kiệm để sản xuất, kinh doanh...
Cần có nhiều cơ hội
Từ 1-7-2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Theo đó, các tỉnh, thành trên cả nước sẽ giao trả người bán dâm đang được quản lý tại các Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội về cộng đồng; người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính. Đây là những quy định mang tính nhân văn, nhưng không khỏi khiến các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng bởi mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng vừa thiếu, vừa yếu.
Ông Trần Quốc Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa: “Vừa qua, sau khi các cán bộ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội vào làm việc tại Khánh Hòa, chúng tôi dẫn các anh chị ra chợ Đầm tham quan. Lúc ra cổng chợ, có một chị chạy theo, nắm tay tôi mừng rỡ, năn nỉ tôi nhận bịch xoài và nhắc đi nhắc lại: “Gặp được các anh, em vui quá! Cám ơn các anh!”. Đó là một chị thuộc đối tượng hoàn lương, được chúng tôi giúp làm thủ tục vay 20 triệu đồng để bán trái cây tại chợ Đầm. Nói thật, thấy các chị vui, chúng tôi còn vui hơn các chị nhiều!”
|
Tại hội thảo Vận động sự tham gia và thống nhất mục tiêu thí điểm mô hình hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng trong PCMD tổ chức tại Nha Trang vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, công tác PCMD nói chung, các mô hình thí điểm nói riêng, đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo vệ thuần phong mỹ tục, hạnh phúc gia đình, phòng ngừa lây nhiễm HIV. Người bán dâm đều có nhu cầu hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, pháp lý, tâm lý, học nghề, tạo việc làm. Công tác hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ trên cho đối tượng này được các cơ quan, ban, ngành quan tâm.
Tuy nhiên, nhu cầu và phương thức đáp ứng nhu cầu chưa thực sự ăn khớp nhau. Các dịch vụ hỗ trợ cũng chưa đủ độ dài thời gian cần thiết, thiếu kết hợp nên hiệu quả còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ người bán dâm còn hạn hẹp về đối tượng (hỗ trợ người thuộc diện hộ nghèo), mức hỗ trợ thấp. Yêu cầu xác nhận là người bán dâm hoàn lương của UBND nơi thường trú cũng khó thực hiện bởi hầu hết họ đều đi xa quê, xa nơi thường trú và thường không muốn công khai, công nhận là người bán dâm. Khánh Hòa hiện cũng chưa có trung tâm bảo trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và nhiễm HIV/AIDS. Chị N.T.T (phường Vạn Thạnh) - một người bán dâm hoàn lương tâm sự, xã hội nên có thêm nhiều cơ hội hơn nữa để các chị em khác hòa nhập cộng đồng.
N.V