Những vụ bạo hành ở các nhóm trẻ gia đình tự phát trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương khác nhau đã làm nóng dư luận xã hội cả nước. Từ phẫn nộ, kinh hãi, giờ đây nhiều phụ huynh hoang mang tự hỏi liệu tình trạng đáng sợ này có thể xảy ra ở chính nơi mình đang gởi con hay không.
Những vụ bạo hành ở các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) tự phát trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương khác nhau đã làm nóng dư luận xã hội cả nước. Từ phẫn nộ, kinh hãi, giờ đây nhiều phụ huynh hoang mang tự hỏi liệu tình trạng đáng sợ này có thể xảy ra ở chính nơi mình đang gởi con hay không. Ai có trách nhiệm trong vấn đề này hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp?
Tốt, xấu lẫn lộn các nhóm trẻ gia đình
Trong thực tế, không hề thiếu những người giữ trẻ ân cần, tốt bụng đã được các cháu quý mến như người thân ruột thịt và coi như cô bác, ông bà thực sự của mình. Nhiều trẻ sau khi trưởng thành vẫn nhớ ơn và đều đặn thăm viếng những người đã từng thay bố mẹ săn sóc, chăm chút họ thuở còn thơ. Về mặt tình cảm, những người giữ trẻ nghiệp dư này không hề thua kém gì các cô giáo - mẹ hiền đã được đào tạo bài bản và đang công tác ở các trường MN công lập nổi tiếng. Chính vì vậy, không thiếu các bậc phụ huynh luôn tin tưởng gởi con em mình vào các NTGĐ.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo hành trẻ là có thực ở các NTGĐ. Mấy năm trước, tại một trường MN tư thục ở Nha Trang đã có trẻ bị gãy chân mà theo đơn tố cáo của phụ huynh là do cô giáo đánh. Những ai sống gần các điểm giữ trẻ gia đình chắc hẳn không ít lần chứng kiến cảnh các cháu bị quát mắng, đánh đập vì biếng ăn, không chịu nghe lời bảo mẫu... Công việc giữ trẻ vốn vất vả, nhọc nhằn nên những người thiếu từ tâm và nóng nảy, lại ít hiểu biết về pháp luật có thể bạo hành trẻ bất cứ lúc nào. Có người cho rằng, hiện tượng này chưa trở thành điểm nóng ở nơi này, nơi khác chẳng qua là do người dân ngại đụng chạm, không dám báo cho chính quyền sở tại và các cơ quan thông tin, báo chí chưa vào cuộc mà thôi.
Vẫn không thể thiếu các nhóm trẻ gia đình
Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình được học ở các cơ sở uy tín. |
Tuy biết rõ nguy cơ mất an toàn ở các NTGĐ nhưng trong thực tế, xã hội vẫn cần đến loại hình này. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục MN (kể cả công lập, dân lập, tư thục) hiện chỉ mới thu nhận được khoảng 22% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo mà thôi. Do đang ưu tiên tập trung cho mục tiêu phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi nên nhiều địa phương không thể thu nhận nhiều trẻ 3, 4 tuổi, dù nhu cầu của người dân khá lớn. Đặc biệt, rất hiếm trẻ từ 1 tuổi trở xuống được nuôi dưỡng ở các cơ sở giáo dục MN này. Số lượng trẻ từ 4 tuổi trở xuống còn ở ngoài trường, lớp MN vẫn còn rất lớn, lên đến con số hàng ngàn trẻ ở mỗi địa phương.
Mặt khác, các trường lớp MN hiện nay chủ yếu hoạt động theo giờ hành chính, thường từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Trong khi đó công nhân lại làm việc theo ca, người lao động và nhân viên nhiều doanh nghiệp thường phải làm việc quá giờ, có người phải đến 7 - 8 giờ tối mới xong việc. Trong tình cảnh này, thiếu ông bà nội ngoại ở gần giúp đỡ và không có tiền thuê người giúp việc thì chỉ biết trông cậy vào các NTGĐ. Dù thương con và nơm nớp lo sợ thế nào đi nữa thì cũng chỉ biết may nhờ, rủi chịu mà thôi.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Việc giữ trẻ gia đình ngày càng phổ biến và xem ra đang tăng dần theo từng năm. Tuy chưa thể cập nhật và thống kê cụ thể, chính xác NTGĐ trong toàn tỉnh nhưng 1 cán bộ Phòng Giáo dục MN của Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, chỉ riêng ở địa bàn Nha Trang đã lên đến hàng trăm. Không thể hy vọng cấp giấy phép hoạt động cho toàn bộ các NTGĐ này để đưa vào quản lý (vì không đủ điều kiện) nhưng cũng không thể đóng cửa và cấm hoạt động được. Để không xảy ra tình trạng mất an toàn và bạo hành trẻ trong các NTGĐ nói riêng và cơ sở giáo dục MN tư thục nói chung, phải cần đến trách nhiệm của nhiều phía, nhiều người.
Thiết nghĩ, với hệ thống chính trị đồng bộ như hiện nay, nếu biết phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ trưởng tổ dân phố thì chính quyền địa phương hoàn toàn có thể nắm được tình hình hoạt động của các NTGĐ. Tình trạng bạo hành xảy ra thì cũng chỉ là hãn hữu, cá biệt và cũng không thể kéo dài. Cán bộ, chuyên viên ngành học MN cấp tỉnh, cấp huyện và hiệu trưởng các trường MN công lập ở từng xã, phường cũng nên dành thời gian nhiều hơn cho các NTGĐ. Điều này là hoàn toàn cần thiết trong việc phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi và xây dựng xã hội học tập hiện nay. Không chỉ kiểm tra, nhắc nhở các hạn chế, thiếu sót mà còn phải tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các NTGĐ thực hiện ngày càng tốt hơn các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ nuôi dạy trẻ MN.
Mặt khác, những người làm cha làm mẹ cũng phải quan tâm nhiều hơn con em mình khi gởi trẻ gia đình. Những trẻ bị bạo hành thường có những biểu hiện tâm sinh lý khác thường rất dễ nhận ra. Những lúc đón trả trẻ, nếu biết cách thăm hỏi các gia đình lân cận và trao đổi với các phụ huynh khác cũng có thể biết được ít nhiều việc nuôi giữ trẻ ở đó tốt xấu ra sao. Bởi lẽ, xét cho cùng, không ai lo lắng trẻ bị bạo hành bằng chính người đã sinh thành các cháu.
LÊ VĂN