Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều dài hơn 140km. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác và chuyển giao) đã hoàn thành 70 - 85% khối lượng, còn vốn trái phiếu Chính phủ mới được khoảng 10%.
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều dài hơn 140km. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hình thức BOT (xây dựng, khai thác và chuyển giao) đã hoàn thành 70 - 85% khối lượng, còn vốn trái phiếu Chính phủ mới được khoảng 10%.
Tiến độ còn chậm
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm và Cam Ranh. So với các địa phương khác trong khu vực, Khánh Hòa có số hộ bị ảnh hưởng lớn với khoảng 8.000 hộ dân, tổng nguồn vốn phục vụ GPMB khoảng 954 tỷ đồng. Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác GPMB, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ GPMB, sớm bàn giao cho các đơn vị thi công.
Đến thời điểm này, công tác GPMB gói thầu BOT được thực hiện khá tốt, trong khi vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện còn chậm. Tính đến ngày 12-12, hai dự án đầu tư theo hình thức BOT đã bàn giao được 56km/73,8km, trong đó Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đã bàn giao được 31km, đạt khoảng 85% kế hoạch, Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư, tuy triển khai chậm hơn dự án Đèo Cả nhưng cũng đã bàn giao được 25km, đạt 70% kế hoạch. Riêng Dự án trái phiếu Chính phủ chỉ mới bàn giao được 11km/66,9km. Được biết, Dự án trái phiếu Chính phủ có khoảng 198 tỷ đồng để GPMB nhưng hiện tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Nhà thầu đang thi công đoạn Quốc lộ 1A đi qua thị trấn Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa. |
Một số địa phương đã tiến hành chi trả đền bù cho người dân nhưng vẫn còn một số địa phương đang trong quá trình kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết bồi hoàn. Trong khi đó, theo kế hoạch, các địa phương phải hoàn thành công tác kiểm kê trước ngày 30-10. Cụ thể như thị xã Ninh Hòa, Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa phận thị xã có chiều dài 30km, đi qua 10 xã, phường, trong đó có 1.076 hộ dân bị ảnh hưởng phải GPMB, với diện tích đất bị thu hồi 393.415m2... Thế nhưng, đến ngày 17-12 vẫn còn 90 trường hợp chưa kiểm kê xong, mới bàn giao mặt bằng được 4km. Huyện Cam Lâm có chiều dài tuyến đường gần 27km, 1.953 hộ bị ảnh hưởng. Hiện Cam Lâm đã xét duyệt xong chi tiết, chuẩn bị tiến hành chi trả cho người dân và đã bàn giao mặt bằng được 18km...
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai công tác GPMB nhưng tiến độ thực hiện còn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là do một số xã, phường, thị trấn, lãnh đạo chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và việc xây dựng khu tái định cư còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu khi triển khai dự án; một số hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất khai hoang hoặc vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt nhưng lại yêu cầu bồi thường đất ở và nhà đã xây dựng. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc đất cũng gặp không ít khó khăn do nhiều hộ không có mặt tại địa phương, một số hộ chưa đồng ý với số liệu đo đạc... Mặt khác, sự phối hợp giữa nhà đầu tư với địa phương chưa chặt chẽ; nhà đầu tư còn xem công tác GPMB là do địa phương chịu trách nhiệm...
Cần đẩy nhanh tiến độ
Ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: So với các địa phương khác trong cả nước, thời gian qua công tác GPMB Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh còn chậm. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức họp với các sở ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công và các địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, các địa phương đã tích cực vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB. Hiện một số địa phương đã tiến hành chi trả đền bù cho dân, dự kiến đến cuối tháng 12 các địa phương sẽ hoàn thành công tác xác minh, kiểm kê và đến cuối tháng 1-2014, công tác bàn giao mặt bằng sẽ cơ bản hoàn thành. |
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao kịp thời cho các đơn vị thi công, những ngày qua lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương hợp đồng thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xác minh hồ sơ, nguồn gốc đất và kiểm kê. Ngoài ra, các nhà đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý dự án cử tổ công tác phối hợp trực tiếp với Trung tâm quỹ đất các địa phương thực hiện công tác GPMB; hàng tuần, hàng tháng có báo cáo gửi địa phương về tiến độ thi công các gói thầu để kịp thời giải quyết vướng mắc.
Theo đồng chí Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đối với việc xây dựng các khu tái định cư, tỉnh cho phép các địa phương chỉ định nhà thầu, sớm triển khai dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa và tái định cư. Các địa phương cần linh hoạt vận dụng các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân. Đồng thời, rà soát quỹ đất bán đấu giá, ưu tiên bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa. Đối với các trường hợp hỗ trợ di dời nhà ở, nhà bị ảnh hưởng một phần, nhà thấp hơn mặt đường, tỉnh sẽ nghiên cứu, vận dụng những chính sách tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Thực hiện chính sách khen thưởng cho các hộ dân chấp hành tốt kế hoạch di dời, GPMB. Các chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những diện tích đã bàn giao mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Song song đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác GPMB đến tận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, tự giác trong tổ chức thực hiện, nhất là người dân có đất nằm trong vùng dự án. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, làm việc với các xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công việc có hiệu quả; tăng cường bố trí cán bộ về tận cơ sở để đôn đốc thực hiện dự án, kịp thời báo cáo những vướng mắc, khó khăn và đưa nhiệm vụ này vào công tác thi đua khen thưởng. Ngoài ra, các địa phương cần phổ biến cho người dân nắm rõ chính sách khen thưởng những hộ dân bàn giao mặt bằng sớm. Theo đó, những hộ dân bàn giao mặt bằng trước ngày 15-1, ngoài số tiền thưởng theo quy định của các dự án, còn được thưởng thêm 3 triệu đồng (mức tối đa khen thưởng của dự án này là 11 triệu đồng).
CẨM VÂN