09:12, 23/12/2013

Dự án Nhà máy đóng tàu Oshima: Bất ngờ ngừng hoạt động

Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận, Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam (gọi tắt Công ty Oshima) đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và thông báo việc ngừng đầu tư Dự án Nhà máy đóng tàu Oshima tại TP. Cam Ranh. Hiện Công ty Oshima đang làm việc với các sở, ngành để giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan.

Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận, Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam (gọi tắt Công ty Oshima) đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và thông báo việc ngừng đầu tư Dự án Nhà máy đóng tàu Oshima tại TP. Cam Ranh. Hiện Công ty Oshima đang làm việc với các sở, ngành để giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan.

 


Giấc mơ Oshima

 


Dự án Nhà máy đóng tàu Oshima tại TP. Cam Ranh do Công ty Oshima làm chủ đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 2-2012, có tổng vốn đăng ký 180 triệu USD. Theo kế hoạch, giai đoạn 2012 - 2015, Dự án Nhà máy đóng tàu Oshima tiến hành giải phóng mặt bằng, san lấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng; việc xây dựng nhà máy hoàn thành vào năm 2017. Dự án được xây dựng trên diện tích 304ha, trong đó hơn 100ha là diện tích hồ nuôi thủy sản, nhà cửa của gần 110 hộ dân tại 2 thôn Hòa Diêm và Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông. Dự án này chủ yếu đóng mới tàu chở hàng có trọng tải 37.000 - 56.000 tấn.

 

1
UBND TP. Cam Ranh đang yêu cầu phía Công ty Oshima Việt Nam phải đền bù thiệt hại cho người dân vì hơn 1 năm qua không được phép nuôi trồng thủy sản. (Trong ảnh: Vùng nuôi trồng thủy sản của người dân trong khu vực dự án)

 

Theo thông tin công bố của UBND TP. Cam Ranh, dự án sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 1.200 lao động vào giai đoạn đầu và tăng lên 3.000 lao động vào giai đoạn tiếp theo. Công ty Oshima sẽ chuyển giao nhiều công nghệ và kỹ thuật cao, hiện đại trong ngành đóng tàu cho Việt Nam. Nhân viên Việt Nam được đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của chủ đầu tư. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn thu nhập về ngoại tệ rất lớn cho Việt Nam do các sản phẩm của Công ty sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản tiền thuê đất và mặt biển, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

 


Dự án sẽ tạo ra động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp vào TP. Cam Ranh. Từ đó, tạo ra sức phát triển mới cho TP. Cam Ranh nói riêng và cả khu vực phía Nam của tỉnh Khánh Hòa nói chung.

 


Bất ngờ ngừng hoạt động

 


Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc Công ty Oshima thông báo ngừng đầu tư khiến tỉnh khá bất ngờ vì sau 3 năm tìm hiểu, hoàn thành toàn bộ các thủ tục, Dự án Oshima chỉ đợi ngày khởi công. Trao đổi với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan, Công ty này cho biết họ gặp khó khăn lớn về kinh tế, đồng Yên sụt giá so với USD. Nếu tiếp tục đầu tư, giá trị nhà máy có thể lên đến 250 - 300 triệu USD. Bên cạnh đó, thị trường tàu biển trên thế giới đang bị thu hẹp buộc họ phải ngừng đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

 


Ông Nguyễn Khiêm, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Dự án ảnh hưởng tổng cộng 108 hộ dân với 100ha, bao gồm 426 ô thửa nuôi trồng thủy sản. Thành phố rất mong đợi việc phát triển nhà máy đóng tàu sẽ tạo động lực về kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương. Chính vì vậy, thành phố đã tạo mọi điều kiện, huy động hệ thống chính quyền vận động người dân đồng thuận, thống nhất bàn giao mặt bằng. Thành phố lấy làm tiếc vì Dự án Oshima ngừng hoạt động”.

 


Tại TP. Cam Ranh, hiện nay rất nhiều người dân chưa biết thông tin Dự án Oshima rút khỏi Cam Ranh. Ông Nguyễn Văn Ghênh, Trưởng thôn Hòa Diêm cho biết, ở thôn này có 36 hộ dân bị ảnh hưởng. Mới đây, họ được thông báo sẽ nhận tiền bồi thường đợt 1 vào giữa tháng 11 nhưng đến nay không ai được nhận tiền. “Ảnh hưởng lớn nhất là tinh thần của người dân, lâu nay họ không dám đầu tư nuôi trồng thủy sản, sửa sang nhà cửa. Gần 200 lao động địa phương làm việc ở hơn 400 hồ nuôi thủy sản ở đây phải xoay xở tìm cách chuyển đổi nghề nghiệp...”, ông Ghênh nói.

 


Anh Dương Văn Chương, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án lo lắng: “Từ tháng 9-2012, gia đình nhận được thông báo của UBND TP. Cam Ranh ngừng việc thả nuôi thủy sản tại vùng Dự án Oshima, nếu người dân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định. Gia đình tôi có 4 ao nuôi cá mú với diện tích khoảng 1,8ha, hàng năm thả khoảng 20.000 con cá giống; một vụ cá mú kéo dài khoảng 1 năm rưỡi nên gia đình không dám nuôi vì vướng dự án. Dự án thì chưa bồi thường cho dân, ao hồ thì không được thả thủy sản. Không lẽ ngồi không nên chúng tôi thả tôm ngắn ngày để kiếm kế sinh nhai”.

 


Ông Nguyễn Khiêm cho biết: “UBND tỉnh đã chỉ đạo TP. Cam Ranh tiếp tục làm việc với Oshima Việt Nam để xử lý hệ lụy của việc ngừng đầu tư dự án. Trước mắt, UBND TP. Cam Ranh yêu cầu phía Công ty Oshima Việt Nam phải đền bù thiệt hại cho người dân vì hơn 1 năm qua không được phép nuôi trồng thủy sản. Thành phố vẫn đang bàn thảo mức đền bù với Công ty này. Sau khi bàn bạc thống nhất, sẽ tiến hành kiểm đếm để lấy cơ sở chi trả cho người dân. Hiện nay, khó nhất là việc tuyên truyền để người dân hiểu và thông cảm cho chính quyền cũng như nhà đầu tư.

 


Về cấp tỉnh, ông Võ Tấn Thái cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn Công ty Oshima Việt Nam làm các thủ tục giải thể theo quy định pháp luật. Công ty này sẽ có 6 tháng để giải quyết những vấn đề tồn tại như khắc phục thiệt hại của người dân, những cá nhân, đơn vị hợp tác, các khoản công nợ...

 


Quang Đức