Mức lương tối thiểu tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động sẽ được điều chỉnh từ ngày 1-1-2014. Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
Mức lương tối thiểu (LTT) tại các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động sẽ được điều chỉnh từ ngày 1-1-2014. Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa, ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182 quy định mức LTT vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc ở DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác có thuê mướn lao động. Theo đó, NLĐ trên địa bàn tỉnh làm việc theo hợp đồng lao động; viên chức quản lý hưởng lương tại công ty, DN hoạt động theo luật DN (kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trang trại, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân có thuê mướn lao động đều áp dụng mức LTT vùng. Cụ thể: Vùng II có mức 2,4 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trên địa bàn TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh; vùng III có mức 2,1 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh; vùng IV có mức 1,9 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
- Thưa ông, việc Chính phủ điều chỉnh mức LTT vùng thể hiện điều gì?
Ông Mai Xuân Trí |
- Việc Chính phủ ban hành Nghị định 182 vào thời điểm này là phù hợp, bởi giá cả thị trường có nhiều biến động, dẫn đến mức sống của NLĐ bị ảnh hưởng; do đó, tăng LTT vùng đồng nghĩa với mức sống của NLĐ được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, việc tăng LTT cũng sẽ ảnh hưởng đến một số lao động. Vì hiện tại, có nhiều DN đang chi trả mức lương cho NLĐ cao hơn mức LTT. Vui mừng nhất có lẽ là các lao động đang làm việc tại DN quốc doanh (tính lương theo ngạch, dựa trên LTT) và cho những người đang nhận các trợ cấp xã hội (như: nghỉ hưu, thất nghiệp, thai sản...) và thuận lợi cho NLĐ trong việc hưởng bảo hiểm xã hội.
- Để các DN triển khai điều chỉnh LTT đúng thời gian quy định, ngành chức năng đã có những động thái nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu, chỉ đạo các DN nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc thì đề nghị các DN nhanh chóng phản ánh để chúng tôi kịp thời giải đáp nhằm đảm bảo việc điều chỉnh diễn ra đúng quy định.
- Vào dịp cuối năm, thường xảy ra tình trạng đình công liên quan đến chế độ lương, thưởng Tết - vậy ngành đã đưa ra những biện pháp nào để tránh tình trạng trên tại các DN, thưa ông?
- Để tránh tình trạng đình công tự phát có thể xảy vào dịp cuối năm liên quan đến tiền lương, thưởng Tết, từ đầu tháng 12-2013, chúng tôi đã có công văn gửi đến các DN trên địa bàn tỉnh yêu cầu phối hợp, trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có kế hoạch chi trả lương, thưởng trong dịp Tết dương lịch và âm lịch năm 2014 về các nội dung như: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi, hỗ trợ khác và thời điểm thực hiện, đồng thời công bố công khai cho NLĐ biết; các DN thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch cho NLĐ, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của NLĐ dẫn đến nguy cơ đình công, lãn công, bất ổn trong quan hệ lao động tại DN.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc các DN thực hiện các chế độ chính sách, tiền lương, thưởng cho NLĐ...
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)