01:12, 19/12/2013

Để nước sạch đến với người dân

Số lượng nhân viên ít, mỗi người phải đảm nhận nhiều việc và phải luôn cân nhắc để tiết kiệm chi phí nhằm bảo đảm việc cung cấp nước sạch cho người dân, đó là tình hình chung của các Trạm quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn Khánh Hòa hiện nay.

Số lượng nhân viên ít, mỗi người phải đảm nhận nhiều việc và phải luôn cân nhắc để tiết kiệm chi phí nhằm bảo đảm việc cung cấp nước sạch cho người dân, đó là tình hình chung của các Trạm quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn Khánh Hòa hiện nay. 
 
 
Trạm cung cấp nước sạch Phước - Lạc - Thọ đặt tại khu vực giáp ranh 2 xã Diên Phước và Diên Thọ (huyện Diên Khánh). Buổi sáng, anh Hoàng Hữu Việt Nam - phụ trách trạm luôn tất bật với các công việc “không tên”: Vận hành bơm nước lên đài nước (bể điều áp) nhưng phải xem chừng nước có tràn hay không để tắt điện; xem hồ sơ, sổ sách chuẩn bị lắp đặt đồng hồ nước cho dân… Trạm chỉ có 3 người nhưng việc nhiều khiến anh không có thời gian rảnh về thăm nhà chỉ cách đó vài km. “Công việc nhiều nhưng nhân viên ít nên khá căng thẳng. Để bảo đảm công việc trôi chảy, đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân, chúng tôi phải chia ra, người ở trạm lo vận hành, người lo lắp đặt đường ống, cuối tháng phải lo phân công thu tiền nước… Đó là chưa kể ban đêm phải chia nhau tranh thủ bơm nước vào giờ thấp điểm…”, anh Nam chia sẻ. 
 
 
 

Bên cạnh đó việc xử lý hóa chất cũng phải cân nhắc, tính toán hợp lý. Sử dụng lượng hóa chất phù hợp, tiết kiệm nhằm đảm bảo chất lượng nước. Hàng ngày việc xử lý nước bằng nhiều loại hóa chất như: PAC (đánh phèn), nước Clor…, các anh phải dựa vào quan sát bằng mắt, thử bằng ống nghiệm từ đó cân chỉnh lượng hóa chất cho phù hợp. Nếu nước có độ đục nhiều thì tăng lượng hóa chất và ngược lại. Bình quân lượng hóa chất sử dụng hàng tháng cũng lên tới 150kg, một con số không nhỏ. Trong điều kiện số lượng hộ tiêu thụ còn ít, việc tiết kiệm chi phí có ý nghĩa rất lớn. Đó là chủ trương của Trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Giá nước không tăng, thực hiện theo khung giá quy định được duyệt nên mọi khoản lợi nhuận phải tiết kiệm tối đa. Một nhân viên quản lý trạm như anh Nam thu nhập mỗi tháng khoảng 2,2 triệu đồng. 

 

 

Vận hành trạm bơm cấp 2 tại Trạm cung cấp nước sạch Phước - Lạc - Thọ.
Vận hành trạm bơm cấp 2 tại Trạm cung cấp nước sạch Phước - Lạc - Thọ.

 

 
Theo ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT): Giá nước thực hiện theo quy định được UBND tỉnh duyệt. Thu tiền nước 10m3 đầu tiên giá 4.300 đồng/m 3, nộp các khoản thuế, khấu hao, sửa chữa hết 2.100 đồng/m 3, còn lại 2.200 đồng để chi phí tiền điện, hóa chất và nhân công... Vì vậy, phải tính toán, cân nhắc các khoản chi trên tinh thần tiết kiệm tối đa. Việc bơm nước, xử lý nước cũng hết sức tiết kiệm. Tập trung bơm nước vào giờ thấp điểm để tranh thủ giá điện rẻ (800 đồng/KW), đồng thời sử dụng hóa chất cũng hết sức dè dặt, đủ để bảo đảm việc sát trùng, làm sạch, làm trong nước, có gia giảm cho phù hợp. Việc bố trí, tuyển nhân viên cũng rất thận trọng, mỗi trạm chỉ 3 - 4 người, không dám tuyển thêm dù công việc khá nhiều. Hiện mỗi trạm phải đảm đương việc phục vụ cấp nước cho người dân 3 xã, phạm vi hoạt động hơn 120km 2, công việc nhiều vì phải lo khâu lắp đặt, thiết kế vừa lo vận hành nhà máy nên nhiều lúc còn bị động, chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân. 
 
 
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 4 hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, có công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế do Trung tâm NS-VSMTNT quản lý, điều hành là: Phước - Lạc - Thọ (Diên Khánh); Ninh Xuân; Trung - Thân - Đông; Bình - Quang - Hưng (Ninh Hòa). Hiện Trung tâm đang quản lý đầu tư hệ thống cấp nước Diên Sơn - Diên Điền (Diên Khánh), sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2014. Theo quy định đối với công trình nước sạch nông thôn: Ngân sách chỉ đầu tư đến các tuyến ống chính, người dân phải tham gia đầu tư phần đấu nối đến hộ gia đình, trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/hộ. Do số nhân viên ít, số hộ đăng ký lắp đặt không ổn định nên nhiều khi việc lắp đặt đến hộ dân còn chậm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng khắc phục để phục vụ tốt hơn nhu cầu dùng nước sạch của người dân nông thôn…
 
 
P.L