10:12, 24/12/2013

Còn nhiều khó khăn

Những bất cập giữa đầu tư và sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn đã khiến cho các nhà đầu tư còn phải cân nhắc, rất cần có sự quan tâm tháo gỡ của ngành chức năng.

Những bất cập giữa đầu tư và sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn đã khiến cho các nhà đầu tư còn phải cân nhắc, rất cần có sự quan tâm tháo gỡ của ngành chức năng.


Cải thiện việc cung cấp nước


Lâu nay, người dân nông thôn chưa hiểu đúng về công trình nước sạch. Lý do, các công trình nước sạch trước đây sau khi xây dựng xong được chuyển giao cho chính quyền xã quản lý; hầu hết là các công trình nhỏ, công nghệ xử lý nước thô sơ nên chất lượng nước không bảo đảm, thời gian cấp nước không liên tục, lúc cần dùng thì không có nước. Vì vậy, người dân chưa tha thiết, tin tưởng, quan tâm đến lợi ích sử dụng nước từ các công trình này. Điều đó càng làm cho công trình hoạt động kém hiệu quả, tiền nước không thu được, mỗi khi hư hỏng đều không được khắc phục kịp thời dẫn đến công trình ngừng hoạt động.


Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) đã xây dựng các công trình cấp nước có quy mô liên xã với dây chuyền công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh (lắng - lọc - khử trùng). Qua đó, tình hình đã được cải thiện, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Trước đây, người dân sử dụng nước tại vòi công cộng; còn nay, nước sạch về tận nhà nên cần phải đầu tư kinh phí để lắp đặt đường ống. Những hộ gia đình đã lắp đặt đường ống dẫn nước vào nhà, sau khi sử dụng đều tỏ ra hài lòng về chất lượng nước được cấp thường xuyên, liên tục; mùa mưa cũng như mùa nắng, nước chảy mạnh, cung cách phục vụ nâng dần lên chuyên nghiệp. Vì vậy, người dân đồng ý trả tiền nước theo m3 sử dụng.

 

Hệ thống bể lọc tại công trình nước Ninh Bình - Ninh Quang - Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa).
Hệ thống bể lọc tại công trình nước Ninh Bình - Ninh Quang - Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa).


Khó khăn vẫn còn


Tuy vậy, vẫn còn không ít hộ dân chần chừ, chưa sử dụng nước máy vì cho rằng giá thành lắp đặt cao, giá nước còn đắt (4.300 đồng/m3). Nếu người dân hiểu rõ quy trình xử lý từ nước thô thành nước sạch thì việc đầu tư từ 1 đến 1,2 triệu đồng/hộ để có nước sạch sử dụng 24/24 giờ trong ngày, khi cần là có nước chảy mới cảm nhận được niềm ao ước của những vùng khan hiếm nước hay có nguồn nước bị ô nhiễm, phải đi mua từng bình, chở từng thùng nước lọc về ăn uống, sinh hoạt…


Thực tế, hoạt động cung cấp nước sạch tại vùng nông thôn đang gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nước sạch chỉ dùng cho ăn uống; người dân sử dụng nhiều nguồn nước khác để sinh hoạt (nước sông, nước giếng…). Theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 2-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn, ngân sách hỗ trợ đầu tư 60% tổng dự toán của dự án đối với khu vực đồng bằng, duyên hải; vùng đặc biệt khó khăn lên đến 90%, ngoài ra còn nhiều ưu đãi khác về đất xây dựng và các loại thuế. Tuy nhiên, với mức đầu tư này, các công trình nước sạch tại địa bàn nông thôn rất khó để hoàn thiện mạng lưới đường ống nhánh đến tận nhà dân. Mặt khác, tập quán sử dụng nước ở nông thôn cũng có nét đặc thù riêng. Tuy biết rằng nước do nhà máy cung cấp bảo đảm chất lượng, nhưng vì thu nhập hạn chế nên người dân rất tiết kiệm trong việc sử dụng, mà tận dụng triệt để các nguồn nước khác để giảm chi phí. Do đó, lượng nước sử dụng trả tiền của mỗi hộ rất ít, chỉ 5 - 10m3/hộ/tháng. Điều này làm cho việc thu hồi vốn gặp khó khăn. Vì vậy, chính sách ưu đãi theo Quyết định 131/QĐ-TTg nêu vẫn chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.


Hiện nay, ngoài những chính sách khuyến khích, ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 29-10-2013 nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, quản lý khai thác nước sạch nông thôn. Vì vậy, chính quyền các cấp cần có sự hỗ trợ đắc lực trong công tác tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tiêu dùng nước sạch, bảo đảm sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh… Có như vậy, mới hoàn thành mục tiêu cho người dân nông thôn được nước sạch sinh hoạt; các công trình cũng phát huy tối đa tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.


P.L