Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa (Viện Hải dương học) và các cộng sự đã thực hiện đề tài "Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân dân huyện Trường Sa" để góp phần giải quyết nhu cầu rau xanh thường xuyên thiếu thốn nơi đây.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa (Viện Hải dương học) và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân dân huyện Trường Sa” để góp phần giải quyết nhu cầu rau xanh thường xuyên thiếu thốn nơi đây.
Rong nho biển chứa nhiều vitamin, các khoáng vi lượng cần thiết cho sức khỏe con người nên còn được gọi là trứng cá hồi xanh. Giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao nên rong nho biển đã được trồng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2004, Phòng Thực vật biển (Viện Hải dương học) đã có những nghiên cứu đầu tiên về các đặc tính sinh học và kỹ thuật trồng rong nho biển trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu của các đề tài cho thấy, rong nho biển có thể sống quanh năm trong các điều kiện: Nuôi trồng trong bể xi măng hoặc composite, trong ao, đìa, vùng triều ven biển nơi có độ mặn cao và ổn định.
Huyện Trường Sa quanh năm sóng gió, thiếu đất và nước ngọt để trồng rau nên thường thiếu rau xanh, đặc biệt là ở các đảo chìm. Trong khi đó, vùng biển nơi đây có nước biển trong, sạch, độ mặn cao, nhiệt độ thuận lợi nên có thể phát triển trồng rong nho biển quanh năm trong các bể nhân tạo nhằm bổ sung nguồn rau xanh giàu dinh dưỡng cho quân và dân huyện Trường Sa.
Trồng rong nho thử nghiệm ở Vùng 4 Hải quân. |
Từ thực tế trên, Viện Hải dương học đã phối hợp với UBND huyện Trường Sa, Vùng 4 Hải quân thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân và dân huyện Trường Sa”. Nhóm thực hiện đề tài đã thực hiện thành công mô hình trồng đáy và trồng treo rong nho biển trong bể composite ở Vùng 4 Hải quân. Qua 1 năm thử nghiệm, rong nho phát triển nhanh, cho năng suất cao. Mô hình trồng đáy cho năng suất gần 4kg/m2 vào mùa mưa, hơn 4kg/m2 vào mùa khô. Rong nho biển trồng trong bể có thể phát triển quanh năm. Nếu được chăm sóc tốt và bón phân hữu cơ làm từ bột cá có thể duy trì năng suất cao liên tục với khoảng hơn 10kg rong tươi/m2. Rong nho biển có thể thu hoạch liên tục bằng cách thu tỉa, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày. Bảo quản rong nho biển dạng tươi bằng phương pháp sục khí trong 16 giờ có thể giữ được 8 - 10 ngày, còn bảo quản bằng ướp muối (nước muối bão hòa hoặc muối ăn) có thể giữ được 3 - 4 tháng.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa đã được tham gia đoàn công tác khảo sát thực tế một số đảo ở Trường Sa. Theo ông, mô hình trồng treo và trồng đáy rong nho biển trong bể ít choán diện tích, phù hợp điều kiện ngoài đảo. Trên cơ sở phân tích về điều kiện tự nhiên trong mối quan hệ với đặc điểm sinh thái, sinh học loài rong nho biển, đồng thời qua khảo sát thực tiễn các điều kiện cụ thể tại các đảo chìm và đảo nổi tại quần đảo Trường Sa vào tháng 5-2013, nhóm thực hiện đề tài đề xuất xây dựng cơ sở nhà trại trồng nho tại đảo nổi, với 6 bể trồng rong nho, dung tích mỗi bể khoảng 3m2; đặt 2 - 3 bể trồng rong nho tại các đảo chìm, đơn giản chỉ cần che lớp lưới để có ánh sáng thích hợp cho rong phát triển. Dựa trên kết quả của đề tài, nhóm tác giả kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và phối hợp với huyện Trường Sa, Vùng 4 Hải quân sớm triển khai mô hình trồng rong nho biển tại các đảo ở Trường Sa nhằm bổ sung nguồn rau xanh cho quân và dân trên đảo.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, để chuyển giao kết quả đề tài ra các đảo, điểm đảo cần có sự thống nhất và hỗ trợ của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân. Đồng thời, phải cử cán bộ chuyên trách về kỹ thuật trồng thí điểm ở đảo, từ kết quả thực tế mới quyết định nhân rộng mô hình này cho các đảo. Phân tích điều kiện thực tế các đảo, ông Thuân đề nghị nhóm thực hiện đề tài phối hợp với huyện nghiên cứu kỹ các yếu tố để phù hợp với điều kiện ngoài đảo, phải đảm bảo các yếu tố môi trường, cảnh quan, chính quy của các đảo.
K.N