Trước đây, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương di dời các lò gạch thủ công trên địa bàn thị xã Ninh Hòa vào Cụm công nghiệp Diên Xuân.
Trước đây, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương di dời các lò gạch thủ công trên địa bàn thị xã Ninh Hòa vào Cụm công nghiệp Diên Xuân. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái, tỉnh đã có thông báo ngừng xây dựng cụm công nghiệp nên việc xóa bỏ lò gạch thủ công ở Ninh Hòa đang bế tắc.
Chủ trương chung
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTG (gọi tắt là Quyết định 567) phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) không nung đến năm 2020. Mục tiêu là phát triển sản xuất và sử dụng VLXD không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Quyết định 567 khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất VLXD với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến; từng bước nội địa hóa việc chế tạo thiết bị cho dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung; đa dạng hóa về kích thước sản phẩm cho phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng với đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Sau Quyết định 567, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Theo chỉ thị này, năm 2013, các địa phương trên cả nước phải chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và đến năm 2015 chấm dứt hoạt động của lò gạch liên tục kiểu đứng.
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, hiện có trên 100 cơ sở sản xuất gạch thủ công đang hoạt động, mỗi năm cho ra lò cả trăm triệu viên gạch. Tuy việc sản xuất gạch một thời gian dài đã tạo được việc làm cho nhiều lao động, nhưng mặt trái của nó là gây ô nhiễm môi trường và mất đất nông nghiệp nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, dọc theo Quốc lộ 26 đi qua thị xã Ninh Hòa, hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị khai thác để làm gạch khiến bề mặt đất bị biến dạng, mỗi năm hàng chục héc-ta đất nông nghiệp bị mất. Không chỉ “nuốt” đất nông nghiệp, các lò gạch này còn gây ô nhiễm cho khu dân cư. Chị Trần Thị Bích Vân, một người dân sống cạnh một lò gạch thủ công tại xã Ninh Xuân cho biết: “Chúng tôi phải chịu cảnh khói bụi của các lò gạch hàng chục năm nay. Không những khói bụi do đốt gạch mà còn bụi do xe chở đất gây ra. Trong xã này, còn nhiều lò gạch nằm ngay trong khu dân cư nên mỗi khi đốt gạch là người dân chúng tôi lại lãnh đủ”.
Bài toán xóa bỏ hoặc chuyển đổi các lò gạch thủ công ở thị xã Ninh Hòa chưa có lời giải. |
Bài toán khó
Ông Trần Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay việc quản lý khai thác đất sét để làm gạch đã được UBND thị xã quản lý khá chặt chẽ. Chính quyền đã cấp phép khai thác đất sét cho một số cơ sở sản xuất gạch để khai thác đất tận thu, sau đó phải bồi hoàn lớp đất màu để sản xuất nông nghiệp. Còn việc giải quyết vấn đề ô nhiễm do các lò gạch thủ công ở các xã trên địa bàn thì vẫn chưa thể giải quyết. Trước đây chủ trương của tỉnh và thị xã là di dời các lò gạch trên địa bàn Ninh Hòa tập trung vào Cụm công nghiệp Ninh Xuân. Tuy nhiên, việc di dời đó cũng chỉ áp dụng cho những cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất gạch theo quy định của Nhà nước. Những lò gạch khác, nếu không chuyển đổi được để đáp ứng yêu cầu về công nghệ thì buộc phải chấm dứt sản xuất. Đến nay, bài toán di dời các lò gạch trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã đi vào bế tắc, bởi UBND tỉnh đã chính thức có thông báo ngừng xây dựng Cụm công nghiệp Ninh Xuân, vì vậy việc di dời các lò gạch vào Cụm này sẽ không thực hiện. Phương án cuối cùng, nếu các lò gạch muốn tiếp tục hoạt động thì phải chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ tuy-nen.
Trên địa bàn thị xã hiện có 3 nhà máy sản xuất gạch ngói theo công nghệ tuy-nen, còn lại gần 100 cơ sở khác đều sản xuất thủ công. Mới đây, có 10 cơ sở đã chuyển từ lò đứng sang công nghệ hoffman để giảm thiểu ô nhiễm; còn lại trên 80 cơ sở nếu chiếu theo quy định phải chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, để chuyển sang sản xuất theo công nghệ hiện đại tuy-nen đòi hỏi kinh phí rất lớn, hầu hết người dân không có điều kiện chuyển đổi. Đứng trước tình thế đó, thị xã đã có báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh cho tồn tại loại lò sản xuất theo công nghệ hoffman nhưng UBND tỉnh không đồng ý.
Ông Trần Lân khẳng định: “Nếu xóa bỏ các lò gạch thủ công thì rất nhiều lao động mất việc làm, và không có gì để đảm bảo họ sẽ không “sản xuất chui” bằng mọi cách. Vì thế, Nhà nước nên có những tiêu chuẩn nhất định để quản lý về chất lượng, môi trường cho việc sản xuất gạch ngói thay vì quy định như hiện nay buộc phải sản xuất theo công nghệ tuy-nen. Bởi khi chuyển sang công nghệ tuy-nen, sản lượng sản xuất rất lớn buộc người dân phải tính toán đến việc sản xuất, quản lý lao động và tiêu thụ sản phẩm. Điều này khiến các cơ sở sản xuất thủ công không đủ sức về tài chính, công tác quản lý, thậm chí sẽ phá sản.
Xuân Nha