Những ngày mưa bão vừa qua, biển ầm ào sóng, thế nhưng, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý vẫn "khăn gói" lên đường ra thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Những ngày mưa bão vừa qua, biển ầm ào sóng, thế nhưng, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) vẫn “khăn gói” lên đường ra thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa).
Đội mưa bão đi trợ giúp pháp lý
Năm 2013, Trung tâm có 18 người/22 biên chế được duyệt, thực hiện TGPL 845 vụ cho gần 900 người nghèo, người có công, người già, trẻ em, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ bị bạo hành... Trong đó, có 34 đợt TGPL lưu động với gần 1.100 người tham dự. |
11 giờ 45 ngày 8-11, sau chuyến ô tô từ Nha Trang ra Vạn Ninh, cả đoàn lên ghe ra đảo. Biển mù mịt. Chiếc ghe nhỏ chao lắc trên biển. Vật vã trên ghe hơn 3 giờ, cả đoàn mới đến được thôn đảo - nơi chỉ cách thị trấn Vạn Giã khoảng 8 hải lý. Ông Huỳnh Duy Thương - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh nói như muốn át tiếng sóng: “Bà con cần, nhất định mình phải tới, không thể lỗi hẹn”. Và người dân thôn đảo cũng không phụ lòng họ. Tuy cả thôn đang căng mình chống bão, nhưng vẫn có gần 60 hộ dân ra đón đoàn. Thôn đảo Ninh Tân chỉ có khoảng 80 hộ dân, chưa có điện lưới quốc gia; nước sinh hoạt chủ yếu nhờ trời. Mỗi ngày, chỉ có 1 chuyến ghe duy nhất chở người dân thôn đảo về đất liền cùng giờ với chuyến ngược ra đảo. Trong khi đó, trụ sở UBND xã lại đóng tại Đầm Môn, muốn chứng thực bản sao giấy tờ hộ tịch cũng mất đến 2 ngày. Do cách trở đủ đường nên người dân trong thôn còn rất khó khăn khi tiếp cận pháp luật.
Tại buổi TGPL, người dân ngồi chật kín phòng học của điểm trường tiểu học thôn để nghe. Ông Trần Kim Sơn (52 tuổi) chia sẻ: “Trời bão, ghe cập muộn quá nên anh em chỉ trợ giúp được khoảng 2 tiếng rưỡi là trời đã tối. Nghe các anh tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tôi cũng vỡ ra nhiều điều, thấy mình cần sống có tình vợ nghĩa chồng, gia đình hòa thuận, yêu thương nhau. Các anh rất quan tâm, mình không thể phụ công họ được”. Vừa đi chống bão về, Trưởng thôn Phan Thành Liêm khẳng định: “TGPL lưu động rất có lợi cho người dân. Cứ nhìn bà con đến chật phòng học là đủ biết hoạt động này cuốn hút họ tới đâu”. Tuy ông Liêm đã được tập huấn pháp luật nhiều lần và được cung cấp nhiều tài liệu, nhưng ông chỉ là “tay ngang” nên vẫn có nhiều câu hỏi của người dân chưa được giải đáp, phải chờ lực lượng TGPL.
Trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh) ngày 6-4-2013. |
Còn trăn trở
Ông Huỳnh Duy Thương cho biết, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh được thành lập năm 1998 với biên chế ban đầu có 2 cán bộ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được hưởng TGPL miễn phí theo quy định. Sau khi Luật TGPL có hiệu lực (năm 2006), tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở. Hiện nay, Trung tâm đã thành lập 4 chi nhánh (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh, Ninh Hòa) với 8 nhân viên. Tuy có tinh thần trách nhiệm cao, nhưng đa số cán bộ chi nhánh là người mới, chưa được đào tạo kỹ năng pháp lý, chưa qua đào tạo nghề luật sư, ít kinh nghiệm nên với những vụ việc phức tạp, anh em trợ giúp chưa hiệu quả. Việc sử dụng cán bộ tại chỗ cũng khó khăn vì rất khó tuyển cử nhân luật ở địa bàn miền núi. Kêu gọi cán bộ miền xuôi lên miền núi càng khó bởi chưa có chế độ ưu đãi cho họ. Theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc Trung tâm, không có tư cách pháp nhân. Vì vậy, tuy viên chức làm việc tại chi nhánh (có trụ sở tại địa bàn miền núi, theo quy định được hưởng phụ cấp khu vực) nhưng tiền lương và các chế độ khác được hưởng không khác gì người làm việc tại văn phòng Trung tâm. Ông Trần Quang Bình - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thừa nhận, 10 năm qua, đã có khoảng 10 người làm việc tại Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh chuyển sang các cơ quan khác có điều kiện thuận lợi hơn. Điển hình như ở Chi nhánh Khánh Sơn, hiện nay phải tạm hợp đồng có thời hạn với người có trình độ trung cấp luật (cam kết sẽ tự học tiếp đại học luật tại chức).
Ông Trần Quang Bình - Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị bàn về việc xây dựng lại hệ thống tổ chức bộ máy TGPL theo hướng thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hội nghị cũng sẽ đề xuất về chế độ đãi ngộ người làm việc tại các trung tâm TGPL. |
Bên cạnh đó, nghề TGPL đòi hỏi phải am hiểu pháp luật, thường xuyên “lên rừng, xuống biển” TGPL lưu động, đi cơ sở khảo sát nhu cầu TGPL, xây dựng các câu lạc bộ TGPL, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng... Trong khi đó, cán bộ Trung tâm còn cả “núi việc” mang tính hành chính như: thống kê, báo cáo định kỳ tuần, tháng, quý, năm, góp ý văn bản như các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp nên ít nhiều bị phân tán, khó toàn tâm toàn ý lo chuyên môn. Là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Sở Tư pháp không có thu (2 đơn vị sự nghiệp còn lại là Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản và Phòng Công chứng), viên chức ở Trung tâm TGPL (trừ trợ giúp viên pháp lý) lại không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề.
Ông Trần Quang Bình khẳng định, việc gặp, nghe trực tiếp để có hướng tư vấn, tháo gỡ vướng mắc về pháp luật cho người dân đã giúp công tác TGPL, đặc biệt là TGPL lưu động mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đang là gốc của vấn đề. Để được công nhận là trợ giúp viên pháp lý, bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo nghề luật sư và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Khi tham gia tố tụng, yêu cầu trợ giúp viên pháp lý phải có trình độ tương đương luật sư. Đây là những yêu cầu rất cao, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Do đó, để viên chức Trung tâm toàn tâm toàn ý hơn với công việc, rất cần cải thiện chế độ đãi ngộ. Cùng với đó, cần điều chuyển công chức từ Sở và các phòng tư pháp hoặc tiếp nhận người ở các ngành khác có đủ tiêu chuẩn về làm việc tại Trung tâm; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; giảm bớt công việc mang tính hành chính... cho cán bộ, nhân viên Trung tâm.
THIỀU HOA - MINH QUANG