Tuy đã bị cấm, nhưng trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều ngư dân vẫn neo đậu tàu cá, cột dây vào chân cầu Xóm Bóng (TP. Nha Trang). Điều này làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu Xóm Bóng khi nước lũ dâng cao, buộc lực lượng chức năng của TP. Nha Trang phải triển khai các giải pháp quyết liệt.
Tuy đã bị cấm, nhưng trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều ngư dân vẫn neo đậu tàu cá, cột dây vào chân cầu Xóm Bóng (TP. Nha Trang). Điều này làm ảnh hưởng đến sự an toàn của cầu Xóm Bóng khi nước lũ dâng cao, buộc lực lượng chức năng của TP. Nha Trang phải triển khai các giải pháp quyết liệt.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Trong ngày 7-11, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nước lũ trên sông Cái dâng cao, tại cầu Xóm Bóng có gần 10 chiếc tàu cá đang neo đậu, và có hơn 10 chiếc đang buộc vào các trụ cầu. Khi nước lũ kéo theo một lượng rác từ thượng nguồn về khiến các tàu đang neo đậu tại cầu Xóm Bóng bị bứt neo có nguy cơ va vào dầm cầu. Ông Ngô Khắc Thinh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, tình thế này rất nguy hiểm, nếu xử lý chậm, nước lũ dâng cao, các tàu này mắc kẹt vào các dầm thì có nguy cơ các dầm cầu bị nước lũ nâng lên, xê dịch các nhịp cầu.
Các lực lượng chức năng của TP. Nha Trang và phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ đã yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng di chuyển các tàu cá về khu neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ hoặc qua khu vực cồn Nhất Trí, phường Xương Huân. Thế nhưng, vừa đưa các tàu qua khỏi cầu, thì triều cường từ ngoài biển lên, còn phía thượng nguồn nước lũ cũng ầm ầm đổ xuống, khiến các tàu lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. “Lúc này các tàu cũng không thể di chuyển. Áp lực 2 dòng nước có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của tàu, buộc chúng tôi phải giằng néo các tàu vào các trụ lan can dọc bờ kè sông Cái. Biết như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến bờ kè nhưng không còn cách lựa chọn nào khác”- ông Ngô Khắc Thinh cho biết.
Lúc này, phía hạ lưu cầu Xóm Bóng có hơn 10 chiếc tàu cá lớn - nhỏ dùng dây chằng cột vào chân cầu, lan can cầu. Ngư dân đã dùng dây chằng để liên kết 5 - 6 tàu lại với nhau. Khi nước lũ xuống, các tàu này bị đẩy về hạ lưu, các dây chằng nối giữa tàu và chân cầu bị kéo căng, khiến cầu Xóm Bóng lại lâm vào cảnh nguy hiểm. Các lực lượng chức năng lại phải tập trung xử lý. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, mọi người rất lo lắng nhưng không thể nào chặt các dây chằng nối giữa tàu với cầu để bảo vệ cầu. Như vậy, tàu có thể bị cuốn trôi, thậm chí bị đánh chìm, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân. Vì vậy, đành để các tàu giữ nguyên hiện trạng; các lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi. Cũng may mắn, sau đó nước lũ rút dần nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Nhiều tàu buộc dây vào trụ cầu. |
Ý thức người dân chưa cao
Cầu Xóm Bóng có vai trò quan trọng trong đảm bảo giao thông ở khu vực phía Bắc TP. Nha Trang, được xây dựng từ năm 1969, đến nay đã xuống cấp. Năm 2011, trụ số 9 bị lún khiến mặt cầu bị nghiêng, sau đó đã được gia cố. Ngày 8 và 9 - 11, để đối phó với bão số 14, bảo vệ cầu, UBND TP. Nha Trang chỉ đạo 2 phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ yêu cầu các chủ tàu phải tháo dây buộc vào trụ cầu, đưa tàu về neo đậu tại khu vực Hòn Rớ. |
Được biết, phần lớn các tàu neo đậu, chằng néo xung quanh cầu là của ngư dân phường Vĩnh Thọ. Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ cho biết, toàn phường hiện có 120 chiếc tàu, trong đó có 80 chiếc công suất lớn từ 90 - 750CV. Khi đi biển về bà con đến cảng Hòn Rớ để bán cá nhưng mỗi lần biển động, nghỉ dài ngày thì nhiều ngư dân đưa tàu về vùng cửa biển gần cầu Xóm Bóng để neo đậu. Lý do, Hòn Rớ xa nhà, khu vực này lại có nhiều tàu thuyền qua lại nên phải thường xuyên có người túc trực. Trong khi đó, neo đậu tại cầu Xóm Bóng thì gần nhà, dễ dàng trông coi tàu, ít tàu thuyền. Tuy nhiên, khi neo đậu tại cửa sông Cái mỗi lần nước lũ dâng cao, sức nặng của rác từ thượng nguồn đổ về rất lớn nên nguy cơ tàu bứt neo, trôi ra biển rất cao. Mấy năm trước, đã có nhiều tàu bị cuốn trôi ra cửa biển, bị nhấn chìm. Vì thế khi có lũ, hầu hết các chủ tàu đều buộc dây vào chân cầu để giữ tàu. “Bà con biết đã có lệnh cấm, nhưng do coi trọng tài sản của mình nên vẫn cứ buộc. Đây là do ý thức chủ quan của bà con không chịu di chuyển tàu đến các khu vực khác an toàn hơn”, ông Tính nhận định.
Khu vực cầu Xóm Bóng hiện có 1 trạm gác, luôn có 2 dân quân phường Vĩnh Phước túc trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cường cho rằng, đa số các tàu thường trở về vào ban đêm nên lực lượng dân quân ngăn chặn không kịp thời, dẫn đến tình trạng người dân buộc tàu vào chân cầu. Còn theo ông Ngô Khắc Thinh, nếu các tàu neo đậu buộc dây vào trụ cầu, khi lũ về, đặc biệt khi các hồ phía thượng nguồn xả lũ, sức nước, sức nặng lên đến cả trăm tấn của các tàu cá có thể làm bứt các trụ cầu, dẫn đến nguy cơ sập cầu, hậu quả khó lường. “Neo, buộc dây vào thành cầu, chân cầu là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu các chủ tàu vi phạm, cố tình không di dời thì sẽ bị xử phạt theo quy định. Rút kinh nghiệm, từ nay về sau, để tránh hậu quả đáng tiếc, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý vấn đề này”, ông Ngô Khắc Thinh khẳng định.
Đức Bình