Rạn Trào là khu bảo vệ hệ sinh thái biển huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có sự tham gia tích cực của các nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay sinh kế của người dân vẫn còn rất khó khăn cần được quan tâm hơn nữa.
Rạn Trào là khu bảo vệ hệ sinh thái biển huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có sự tham gia tích cực của các nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay sinh kế của người dân vẫn còn rất khó khăn cần được quan tâm hơn nữa.
Khó khăn tìm nghề
Tuy đã có cải thiện nhưng đời sống của người dân Rạn Trào, đặc biệt là những phụ nữ nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Chị Lê Thị Thanh Huyền (thôn Xuân Tự 2, Vạn Hưng) tâm sự: Trước đây, vợ chồng chị và những bà con ở Rạn Trào là những ngư dân trực tiếp khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên ven bờ bởi sử dụng ngư cụ là những tấm lưới có mắt rất nhỏ, không bỏ sót một sinh vật nào. Việc khai thác tận diệt biết là làm tổn hại đến hệ sinh thái nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải làm.
Từ những năm trước, tổ chức IMA (Liên minh sinh vật biển quốc tế), sau đó là MCD (Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng) là những tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, tránh khai thác hủy diệt, từng bước xây dựng Rạn Trào thành khu bảo tồn biển. Thời gian này, các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ sinh kế phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Chị Huyền cùng những phụ nữ khác tham gia tổ thu gom rác, chuyển đổi nghề, cải thiện sinh kế như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làm chổi dừa, phát triển du lịch cộng đồng... “Hiện nay các chị vẫn tiếp tục duy trì công việc đan giỏ mỹ nghệ, nhưng thu nhập rất thấp do đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn. Thu nhập của chúng tôi chỉ có 400 - 500.000 đồng/người/tháng nên phải làm thêm những công việc khác như: bắt ốc hương, gánh đất đổ đìa...”, chị Huyền nói. Một chiếc giỏ mất nhiều công sức và sáng tạo phải làm trong 2 ngày mới hoàn thành nhưng giá bán chỉ có 260.000 đồng, trong đó tiền công thợ chỉ có 40.000 đồng.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Rạn Trào. |
Tương tự, chị Lê Thị Yến (Xuân Tự 2) một phụ nữ có hoàn cảnh thật đáng thương: Một mình nuôi 4 con, trong đó một cháu bị thiểu năng. Vất vả mưu sinh, ngoài công việc đan giỏ chị phải tranh thủ thêm gánh rau hành để có tiền nuôi con. “Hàng mỹ nghệ bây giờ phong phú lắm lại sử dụng nhiều chất liệu nên giá thành rất rẻ, hàng chúng tôi làm ra không cạnh tranh được nên thu nhập rất bấp bênh”, chị Yến bộc bạch. “Kênh” tiêu thụ của các chị thông qua mối quan hệ quen biết tại các chợ, các khu du lịch ở Nha Trang, thậm chí nhờ đứa con gái đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh gửi hàng vào đó tiêu thụ.
Cần được quan tâm hơn nữa
Hoạt động du lịch cộng đồng, một lĩnh vực của phát triển sinh kế tại Rạn Trào cũng cần được đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Việc liên kết với các công ty du lịch, lữ hành, đưa khách đến tham quan, nghỉ lại theo hình thức homestay cần được quảng bá, nhân rộng. |
Có thể nói, các nhà tài trợ đã rất nỗ lực trong việc tạo sinh kế cho người dân Rạn Trào. Những năm qua, Khu bảo vệ Rạn Trào tiếp nhận khá nhiều nguồn tài trợ, hàng năm bình quân từ 200 - 300 triệu đồng để thực hiện các vấn đề sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người dân. Hiện, MCD đang tiếp tục đầu tư vào các chương trình sinh kế như: Nuôi chim bồ câu, gà thả vườn, trồng lúa nước... hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn tại 2 xã: Vạn Hưng và Vạn Lương. Theo ông Lê Nguyên Khôi - cán bộ phụ trách Văn phòng MCD tại Khánh Hòa, hiện nay các mô hình sinh kế đang chững lại bởi gặp nhiều khó khăn trong đầu ra và đa dạng hóa sản phẩm.
Điều dễ nhận thấy là tuy vấn đề sinh kế được quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí nhưng để duy trì và phát triển nó cần nhiều vấn đề lớn hơn. Đó là khâu tiêu thụ, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm đầu ra cho thị trường. Đây là khâu rất yếu trong cả chuỗi sinh kế. Nhà tài trợ MCD cần phối kết hợp với Ban Quản lý Rạn Trào và xã Vạn Hưng đẩy mạnh việc tìm kiếm đối tác, quảng bá hình ảnh và quan tâm chất lượng và đầu ra của sản phẩm. Hiện các sản phẩm mỹ nghệ được chị em phụ nữ làm ra có nhiều loại (giỏ, bình hoa, mũ...) nhưng còn hạn chế về mẫu mã, phong phú về chất liệu. Sự hình thành tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ và đa dạng hóa sản phẩm rất cần thiết để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, huyện Vạn Ninh và xã Vạn Hưng cần gắn kết việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ) với việc đẩy mạnh sinh kế cho người dân Vạn Hưng, thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút đông đảo phụ nữ trên địa bàn, quảng bá sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử tam nông và bằng nhiều hình thức khác. Có như vậy, việc sinh kế mới hiệu quả và khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào mới được bảo vệ bền vững.
P.L