Theo Luật Đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt có chỉ giới 15m. Nhưng đến nay, ngành Đường sắt mới chỉ quản lý được 5m, còn lại 10m theo luật định vẫn chưa được thực hiện việc cắm mốc, đền bù giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí.
Theo Luật Đường sắt, hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường sắt có chỉ giới 15m. Nhưng đến nay, ngành Đường sắt mới chỉ quản lý được 5m, còn lại 10m theo luật định vẫn chưa được thực hiện việc cắm mốc, đền bù giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí.
Người dân mong được giải tỏa
Theo thống kê của ngành Đường sắt, cả nước có hơn 3.000km đường sắt, đi qua 34 tỉnh, thành phố, 147 quận, huyện, thị xã và 757 xã, phường, thị trấn… Riêng Khánh Hòa có 150km đường sắt đi qua 44 xã, phường, thị trấn, từ xã Đại Lãnh (Vạn Ninh) đến hết xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh). Hiện nay, toàn tuyến có 271 đường ngang dân sinh; trong đó có 85 đường ngang hợp pháp và 186 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Thực tế vẫn còn nhiều tồn tại xung quanh hệ thống đường sắt, nhất là những vấn đề liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn cho các khu dân cư nơi đường sắt đi qua. Bởi, trong số các đường ngang hợp pháp hiện nay có khoảng 45% đường ngang vi phạm tầm nhìn đối với phương tiện giao thông đường sắt và trên 50% vi phạm tầm nhìn đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Nhằm lập lại trật tự HLATGT đường sắt, Luật Đường sắt năm 2006 quy định chỉ giới đường sắt là 15m. Tuy nhiên, sau 8 năm Luật có hiệu lực thi hành, đến nay tình trạng HLATGT đường sắt vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa được cắm mốc, chưa thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng... Điều này không chỉ khó cho ngành Đường sắt mà còn khó cho cả người dân và chính quyền địa phương. Cụ thể, theo luật định, đối với những hộ dân nằm trong phạm vi 15m HLATGT đường sắt, người dân không được xây dựng, cơi nới, sửa chữa các công trình… trong khi tài sản này vẫn thuộc quyền quản lý của người dân.
Ông Võ Quang Đạo - Tổ dân phố Ngọc Hội, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang bày tỏ: “Khi tới mua nhà, tôi không tìm hiểu kỹ, đến khi về ở mới biết một nửa diện tích căn nhà nằm trong HLATGT đường sắt. Vì vậy, khi làm thủ tục bắc đường ống nước, tôi gặp không ít khó khăn. Tuy là nhà của mình nhưng muốn làm gì cũng không được. Hiện phía sau căn nhà, mái tôn lợp đã lâu, xuống cấp, tôi muốn sửa chữa nâng mái cao lên nhưng không được. Nhà nước cứ quy hoạch rồi để đó khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Có an cư mới lạc nghiệp, chúng tôi mong muốn nếu bị giải tỏa thì làm sớm để người dân có nơi ở mới ổn định, còn không thì cho phép sửa chữa một số hạng mục công trình, chứ sống như vậy rất khổ”. Chị Ngọc Dung, một hộ dân sống gần đó cho biết: “Bên hông nhà tôi có một khoảng đất trống giáp đường sắt, gia đình tôi mới rào lại để ngăn không cho người nghiện ma túy vào chích, hút nhưng đã bị chính quyền địa phương bắt tháo dỡ vì vi phạm HLATGT đường sắt. Giờ thỉnh thoảng tôi vẫn phải vào đó thu dọn bơm kim tiêm. Kinh tế khó khăn, chúng tôi không có điều kiện để chuyển đi nơi khác, ở lại đây cũng không ổn định, mất an toàn”.
Mất an toàn giao thông tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp. |
Cơ quan quản lý gặp khó
Nghị định 39 của Chính phủ năm 1996 quy định HLATGT đường sắt từ mép ray ngoài cùng ra mỗi bên là 5,6m. Còn theo Luật Đường sắt có hiệu lực từ ngày 1-1-2006, HLATGT đường sắt là 15m, trong hành lang đường sắt có phạm vi bảo vệ đường sắt rộng 5,3m theo khổ đường ray 1m. Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó phòng Kỹ thuật, Công ty Đường sắt Phú Khánh, thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ, ngành Đường sắt đã cắm mốc và bàn giao cho địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Đến nay, việc thực hiện Nghị định 39 cơ bản được giữ ổn định, hầu hết người dân đều chấp hành tốt việc bảo đảm HLATGT đường sắt trong phạm vi 5m. Tuy nhiên, theo Luật Đường sắt, phạm vi điều chỉnh HLATGT đường sắt là 15m. Trên địa bàn tỉnh, dự kiến có khoảng 7.000 - 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng, vì thế cần phải có một khoản kinh phí rất lớn để tiến hành việc cắm mốc, đền bù giải phóng mặt bằng. Do khó khăn về kinh phí nên ngành chưa triển khai được.
Hiện nay, HLATGT đường sắt đang bị chồng lấn. Về mặt luật pháp, HLATGT đường sắt thuộc quản lý của ngành Đường sắt nhưng trên thực tế vẫn do người dân quản lý. Vì thế, ngành Đường sắt không quản lý được 10m HLATGT đường sắt theo luật định, người dân cũng không được phép xây mới, sửa chữa trên phần đất của mình. Hiện nay, tại một số địa phương, người dân vẫn lén xây dựng các công trình trong phần đất của đường sắt.
Ông Nguyễn Ngọc Trinh - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp cho rằng: “Việc quy hoạch HLATGT đường sắt nhằm tạo đường đi thông thoáng, bảo đảm ATGT là một chủ trương đúng nhưng việc quy hoạch quá lâu không thực hiện khiến việc quản lý của địa phương gặp không ít khó khăn. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc về vấn đề này. Thời gian qua, địa phương đã cố gắng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước. Đối với những hộ dân mới đến ở, chúng tôi cương quyết không cho xây dựng trên phần đất đã quy hoạch. Những hộ đã ở lâu, các công trình bị xuống cấp, chúng tôi phải đề xuất thành phố cho họ sửa chữa”. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Vy - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Sơn, Chính phủ cần có lộ trình thực hiện cụ thể, bởi quy hoạch xong mà chưa thực hiện khiến công tác quản lý của các địa phương hết sức khó khăn.
K.H