Đan lát thủ công mỹ nghệ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Sơn (Khánh Hòa), tuy nhiên hiện nay, nghề này chỉ còn duy trì ở một số ít gia đình, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và có nguy cơ mai một.
Đan lát thủ công mỹ nghệ là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khánh Sơn (Khánh Hòa), tuy nhiên hiện nay, nghề này chỉ còn duy trì ở một số ít gia đình, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và có nguy cơ mai một.
Tạo việc làm, tăng thu nhập nhưng ít người theo nghề
Ông Mấu Hồng Thái (thôn Hò Dung, xã Sơn Hiệp) là một trong số những hộ gia đình còn duy trì được nghề mây tre đan và có sản phẩm bán ra thị trường. Đó là những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt, lao động sản xuất hoặc đồ trang trí trong nhà như: Gùi, rổ rá, nia, nỏ, ná... Gắn bó với nghề này từ mấy chục năm nay, những sản phẩm ông làm ra luôn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ nên không chỉ tiêu thụ trong huyện, mà đã có mặt ở Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh và không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Thái cho biết, từ nhiều năm nay, nhờ nghề này mà kinh tế gia đình ông ổn định, khấm khá. Hiện nay, những vật dụng phục vụ lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày như: Rổ, rá, gùi lớn… được bán với giá từ 50.000 - 250.000 đồng/cái. Những vật dụng làm đồ trang trí trong nhà hay làm đạo cụ cho các tiết mục diễn văn nghệ như: Gùi nhỏ, bộ nỏ, tên… có giá từ 250.000 - gần 1 triệu đồng. Nhờ đó, hàng tháng, nghề đan lát mang lại cho ông thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng.
Nếu biết phát huy thì đây là nghề có thể tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Thế nhưng, thực tế, những gia đình còn duy trì nghề đan lát tại Khánh Sơn rất ít và thường là người lớn tuổi, còn hầu hết thế hệ trẻ không biết hoặc không mặn mà với nghề này. Những người có tâm huyết với nghề như ông Thái cũng đã tích cực động viên con cháu học nghề truyền thống của cha ông để lại nhưng số người theo học rất ít. Anh Bo Bo Xế (thôn Hòn Dung) - người duy nhất hiện nay đang theo học nghề đan lát của ông Thái - cho biết: “Hồi còn nhỏ, tôi cũng biết chút ít về nghề đan gùi, nhưng vì bỏ lâu nên không còn nhớ. Sau khi được ông Thái dạy mấy ngày, tôi đã biết đan cái gùi đầu tiên. Tôi sẽ cố gắng học thêm một thời gian nữa để nâng cao tay nghề, sau này vừa có việc làm thêm, tăng thu nhập, vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông”.
Ông Mấu Hồng Thái - một trong số ít người còn duy trì nghề đan lát ở Khánh Sơn. |
Theo ông Thái, để biết làm nghề đan lát không khó, nhưng để làm ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp thì cũng phải mất mấy năm theo nghề. Muốn có những chiếc gùi đẹp đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ từ khâu trẻ nan đến làm chân gùi. Có lẽ chính vì thế mà giới trẻ ngày nay ngại học nghề này.
Cần giải pháp phù hợp
Trước đây, nguyên liệu phục vụ đan lát ở Khánh Sơn sẵn có ở trên rừng như lồ ô, mây, lòng vức… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do nạn khai thác rừng bừa bãi, nguồn nguyên liệu phục vụ đan lát dần cạn kiệt. Do đó, hiện nay, ông Thái và những người làm nghề đan lát tại Khánh Sơn đang gặp khó khăn về nguyên liệu. Một người làm nghề đan gùi ở thị trấn Tô Hạp cho biết: “Chúng tôi làm sản phẩm bán ra rồi lại lấy tiền đó để mua nguyên liệu về làm tiếp. Nhưng để mua được nguyên liệu tốt cũng không phải dễ”.
Cái khó nữa đối với nghề đan lát thủ công mỹ nghệ tại Khánh Sơn hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi người đan lát thiếu nguyên liệu sản xuất thì một số hộ trồng mây nếp ở Khánh Sơn đến thời kỳ thu hoạch lại không biết tiêu thụ cho ai, đành phá bỏ. Mặt khác, sản phẩm làm ra chưa có sự sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng… Trước nguy cơ nghề bị mai một, trong chương trình phát triển một số ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2008 - 2012, huyện Khánh Sơn đã thực hiện một số giải pháp nhằm khôi phục, phát huy nghề đan lát thủ công mỹ nghệ của đồng bào địa phương. Tuy nhiên, các giải pháp đề ra đã không phát huy hiệu quả. Hầu hết những người được dạy nghề không tìm được hướng đi phù hợp để duy trì và phát triển nên không thể sống được bằng nghề. Bên cạnh đó, các ngành liên quan chưa chú trọng thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho người dân, từ đó xảy ra tình trạng có những hộ sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, ngược lại một số hộ làm ra sản phẩm nhưng không biết tiêu thụ ở đâu.
Theo ông Phan Văn Lân - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Khánh Sơn, huyện cũng đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ người dân như ưu đãi về nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình khai thác cũng như mua các nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất; đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng có chủ trương phát triển các mặt hàng đan lát thủ công mỹ nghệ thành sản phẩm phục vụ du lịch để nâng cao giá trị hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là góp phần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn, có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này hiện vẫn là khó khăn đối với các ngành liên quan.
Đinh Luận