09:11, 06/11/2013

Hiện thực hóa việc nâng cao dân trí, ý thức thượng tôn pháp luật

Một trong những mục tiêu của Ngày Pháp luật là nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Thiện Hùng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh về vấn đề này.

Một trong những mục tiêu của Ngày Pháp luật là nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB-GDPL). Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Thiện Hùng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh về vấn đề này.


- Thưa ông, trước khi Luật PB-GDPL có hiệu lực (1-1-2013), Khánh Hòa đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật theo mô hình Ngày Pháp luật. Hội Luật gia tỉnh đã làm gì để tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo tinh thần đó?


- Hội viên của Hội Luật gia hầu hết là công chức, viên chức; các tổ chức hội được thành lập ở các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Xác định công tác PB-GDPL là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của hội nên trong Ngày Pháp luật, nhiều hội viên của hội đã giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động này của cơ quan, đơn vị, tổ chức, được lãnh đạo cơ quan giao thực hiện nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu tại Chỉ thị 46/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.


- Từ thực tiễn công tác PB-GDPL của hội, ông đánh giá thế nào về việc chấp hành pháp luật cũng như giáo dục ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên?

 


- Tôi cho rằng nhận thức pháp luật, hiểu biết về pháp luật trong phần lớn thanh, thiếu niên ngày càng được nâng cao hơn. Điều đó cho thấy hoạt động tuyên truyền, PB-GDPL đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên nói riêng cũng như người dân nói chung cần được nhà quản lý quan tâm và có giải pháp hữu hiệu hơn. Nâng cao dân trí, ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ và trật tự, kỷ cương, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là đòi hỏi, yêu cầu phải được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. PB-GDPL phải làm lay chuyển được nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Theo tôi, cần đặt mục tiêu đó cao hơn nữa, có thể nó phải giữ vai trò trung tâm của công tác PB-GDPL. Như vậy, giới trẻ sẽ có được môi trường, điều kiện để tiếp nhận, hiểu biết, thấm nhuần và tự hình thành ý thức cho mình.


- Theo ông, làm thế nào để xã hội hóa công tác PB-GDPL theo Luật PB-GDPL?


- Nói xã hội hóa công tác PB-GDPL là muốn nói đến sự tham gia của các lực lượng xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp, nhiều cá nhân, đồng thời huy động được các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PB-GDPL. Nhà nước đã có một số chính sách nhằm thực hiện việc xã hội hóa công tác PB-GDPL, được quy định tại Điều 8 của Nghị định số 28 ngày 4-4-2013 của Chính phủ. Tôi cho rằng đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ đó một cách đồng bộ, kịp thời, thỏa đáng sẽ có tác động tích cực. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, khơi dậy được nhiệt tình, tâm huyết của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, các tổ chức hành nghề về pháp luật để họ tham gia, đóng góp cho công tác PB-GDPL là yếu tố rất quan trọng mang đến sức sống cho chủ trương xã hội hóa này. Hội Luật gia đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện “Đề án xã hội hóa công tác PB-GDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 -2016”. Hội Luật gia tỉnh đang tiếp nhận đề án này và theo hướng dẫn cụ thể của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam để triển khai trong thời gian tới.


- Được biết, hiện nay, Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác còn vướng mắc trong công tác phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Ông có thể phân tích những khó khăn trong việc phát triển đội ngũ này ở Khánh Hòa? Và giải pháp đề xuất của ông để khắc phục phần nào những khó khăn đó?


- Đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở cấp tỉnh, cấp huyện của Khánh Hòa đã được hình thành từ nhiều năm, được sự quan tâm chọn lọc, đầu tư, bồi dưỡng của các cấp chính quyền, đã đi vào hoạt động tương đối nề nếp. Lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh hiện có 72 người, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, do họ là cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm nên có những hạn chế nhất định trong việc đầu tư chuyên sâu cho lĩnh vực này. Ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn lâu nay vẫn chọn cử người có năng lực, uy tín tham gia vào các hoạt động PB-GDPL. Nay Luật PB-GDPL ra đời, với sự hình thành đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn. Một chế độ thù lao tương xứng cho người làm công tác PB-GDPL cũng sẽ là nhân tố thúc đẩy hoạt động này vươn lên xứng tầm của nó.


- Xin cảm ơn ông!


N.V (Thực hiện)