Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng khiến giao thông rất khó khăn, thậm chí có tuyến mới đưa vào khai thác hơn một năm đã xuất hiện “ổ gà, ổ voi, sống trâu”... Theo cơ quan chức năng, đường hư là do thiếu kinh phí, không bảo trì kịp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng khiến giao thông rất khó khăn, thậm chí có tuyến mới đưa vào khai thác hơn một năm đã xuất hiện “ổ gà, ổ voi, sống trâu”... Theo cơ quan chức năng, đường hư là do thiếu kinh phí, không bảo trì kịp.
Đường cũ hư, đường mới hỏng
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều tuyến đường đã xuống cấp, hư hỏng. Tại Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), ở đây chỉ khoảng 2km đường nhưng bề mặt đường nhựa luôn tồn tại hàng trăm u lồi lõm (sống trâu) dài hàng trăm mét, các xe qua đây chỉ có thể đi với tốc độ rất chậm và thường xảy ra tai nạn. Tại cửa ngõ phía Bắc TP. Nha Trang, đoạn đường dẫn từ Quốc lộ 1A vào trung tâm thành phố chỉ dài khoảng 2,8km được khởi công từ tháng 9-2009 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Đoạn đường này có tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng do Liên doanh nhà thầu Công ty Cổ phần 504 và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505 xây dựng với 4 làn xe. Nhưng hiện nay đoạn đường này chỉ đi được 2 làn. Chiều 1-11, có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến có khoảng 500m đường bị cắt lớp nhựa một bên đường, bỏ lại 1 lớp cát.
Quốc lộ 1A qua đèo Rọ Tượng đã xuống cấp. |
Không chỉ các tuyến đường cũ, những tuyến đường mới đưa vào sử dụng không lâu như tuyến đường Nha Trang -Đà Lạt, đoạn Diên Khánh - Khánh Vĩnh (Cầu Lùng - Khánh Lê) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tuyến đường có giá trị xây dựng hơn 549 tỷ đồng chỉ mới đưa vào hoạt động nhưng đến nay đã xuất hiện rất nhiều “ổ gà”, sụt lún với rất nhiều mảnh vá. Ông Đặng Văn Tài, Phó trưởng Ban quản lý các công trình trọng điểm Khánh Hòa (đơn vị chủ đầu tư tuyến đường trên) cho biết, tuyến đường đã giao lại cho Sở Giao thông vận tải quản lý nên việc bảo trì thuộc trách nhiệm của Sở. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, do tải trọng xe lớn, tuyến đường chỉ được trải lớp nhựa 7cm nên mặt đường xuất hiện “ổ gà” là điều bình thường. Đường hư đâu thì vá đấy, nhưng do kinh phí đã hết nên việc bảo trì tạm thời dừng lại.
Ngoài những tuyến đường liên tỉnh, huyện, các tuyến đường nội ô cũng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa như: Dương Hiến Quyền (TP. Nha Trang), đường Trần Quý Cáp (thị xã Ninh Hòa), đường 2 tháng 8 (thị trấn Khánh Vĩnh)...
Kinh phí sửa chữa hạn hẹp
Tuyến đường cửa ngõ phía Bắc TP. Nha Trang dài 2,8km thi công hơn 4 năm vẫn chưa xong |
Từ năm 2006 đến năm 2020, Khánh Hòa cần khoảng 31.692 tỷ đồng để đầu tư phương tiện vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông, phát triển cơ khí giao thông và đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, vốn đầu tư hệ thống đường tỉnh là 7.542 tỷ đồng gồm: Giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 2.688 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3.224 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 1.630 tỷ đồng. |
Ông Trần Đình Diệu, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa (đơn vị phụ trách bảo trì quốc lộ) thừa nhận, Quốc lộ 1A qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 150km, hiện có rất nhiều tuyến cầu, đường hư hỏng nặng, đã sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn xuống cấp. Khó khăn lớn nhất là hàng năm số tiền duy tu bảo dưỡng cho cả cầu và đường chỉ ở mức 60 - 70 triệu đồng/km, do đó chỉ đủ bảo trì nhỏ. “Ở các đèo: Rù Rì, Rọ Tượng... thường xuyên sụt lún, sống trâu, biện pháp chủ yếu xử lý là san bằng, trải nhựa lại. Tuy nhiên, cũng chỉ khắc phục được một thời gian rồi lại hư hỏng”, ông Diệu nói.
Về các tuyến đường nội tỉnh, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc đường sá hư hỏng là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc sửa chữa hiện nay gặp nhiều khó khăn vì kinh phí để bảo trì của tỉnh chỉ khoảng 20 tỷ đồng cho 600km đường lớn nhỏ. Về tuyến đường cửa ngõ phía Bắc TP. Nha Trang, ông Định cho rằng đoạn đường này đã hoàn thành và đang tiến hành những giai đoạn cuối cùng. Trên thực tế, sở dĩ công trình này chậm tiến độ là do việc khảo sát địa chất kém, khi thi công đường thường xuyên bị nước ngầm từ bên dưới xì lên, gây xói lở nền và làm hỏng mặt đường. Nhà thầu buộc phải đào xới nhiều lần để xử lý gây nên chậm trễ trong thi công.
Đoàn Hương Giang