UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành công văn triển khai Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành công văn triển khai Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV) cho biết:
- Hiện nay, toàn tỉnh có 6.930ha gieo trồng rau hàng năm. Từ năm 2006 đến nay, Chi cục triển khai và duy trì 4 mô hình trồng rau an toàn ở xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang), xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh), xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh), xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm). Mỗi mô hình có diện tích khoảng 2ha. Hàng năm, Chi cục đều lấy mẫu rau phân tích Test-Kit và gửi kết quả cho Cục BVTV. Phần lớn các mẫu rau đều đạt tiêu chuẩn về rau an toàn.
Bằng nguồn kinh phí của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và ngân sách tỉnh, Chi cục BVTV Khánh Hòa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn như: lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), VietGAP (sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt). Mỗi năm có khoảng 10 lớp với hơn 300 học viên là cán bộ khuyến nông, nông dân được tập huấn. Ngoài ra, Chi cục còn mở các lớp hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên cây rau nên ý thức của người dân trong việc sản xuất rau an toàn được nâng lên.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh. |
- Bà có thể cho biết những khó khăn trong việc quản lý sản xuất, tiêu thụ rau an toàn hiện nay?
- Hiện nay, do chưa xây dựng được thương hiệu rau an toàn nên khi đem ra thị trường, rau an toàn và rau không an toàn đều bị đánh đồng một giá như nhau. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Người sản xuất muốn đưa rau vào các cửa hàng, siêu thị gặp phải rào cản chưa có giấy chứng nhận nên đầu ra chủ yếu vẫn là bán ở chợ. Do đó, lợi nhuận thu lại chưa tương xứng với tiền của và công sức của người sản xuất rau an toàn. Trong khi đó, cơ quan chuyên môn vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục xin chứng nhận rau an toàn.
Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân sản xuất rau chưa tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, không theo hướng dẫn kỹ thuật, thời gian gieo trồng tùy tiện... Kinh phí cho tập huấn, xây dựng các mô hình rau an toàn còn hạn chế; kinh phí lấy mẫu để phân tích nhanh Test-Kit, phân tích định lượng còn thấp. Diện tích trồng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung nên khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn.
- Thời gian tới, Chi cục sẽ có những hoạt động gì để tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm, thưa bà?
- Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên rau nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV; xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn hiệu quả. Chi cục sẽ tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV; rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất rau; nâng cao hiệu quả của phương pháp lấy mẫu kiểm tra... Tăng cường tuyên truyền để người sản xuất cũng như người tiêu dùng nâng cao ý thức về rau an toàn.
Tuy nhiên, để việc quản lý sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người sản xuất rau an toàn, xây dựng thương hiệu rau an toàn để mở rộng thị trường tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành quy trình sản xuất rau an toàn cho từng loại rau cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, hình thành sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với hợp tác xã, nông dân sản xuất rau an toàn...
- Xin cảm ơn bà!
MAI HOÀNG (Thực hiện)