10:11, 17/11/2013

Bình đẳng giới trong phát triển cán bộ

Hội thảo về bình đẳng giới trong ngành Kiểm sát do Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức vừa qua tại Nha Trang đã cho thấy những vướng mắc trong hoạt động ở một số ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Viện Kiểm sát nhân dân địa phương không chỉ là trăn trở trong ngành.

Hội thảo về bình đẳng giới trong ngành Kiểm sát do Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tổ chức vừa qua tại Nha Trang đã cho thấy những vướng mắc trong hoạt động ở một số ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) của VKSND địa phương không chỉ là trăn trở trong ngành.


Nhiều vướng mắc, đề nghị


Đa số đại diện ban VSTBPN VKSND địa phương (từ Thừa Thiên - Huế trở vào) đều bày tỏ sự lúng túng vì chưa hình dung cụ thể hoạt động của ban. Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, Ban được thành lập đã lâu nhưng hoạt động chủ yếu theo hoạt động của Công đoàn Viên chức, như phối hợp tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày 8-3 và 20-10. Kinh phí hoạt động chủ yếu do Công đoàn hỗ trợ. Đại diện VKSND tỉnh Gia Lai cho rằng, 2 vướng mắc cơ bản đối với Ban VSTBPN là thiếu định hướng hoạt động và thiếu kinh phí.


Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận, hoạt động của Ban VSTBPN VKSND tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là tổ chức kỷ niệm ngày 8-3 và 20-10. Về việc ưu tiên đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, đôi khi quá trình soát xét để đưa vào quy hoạch không tìm được đối tượng nữ. Những chị có tuổi đời, có kinh nghiệm thì đã hết tuổi quy hoạch, còn chị em mới vào ngành, tuy được đào tạo bài bản về chuyên môn nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa đủ điều kiện quy hoạch.

 

Từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu không chỉ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu không chỉ của ngành Kiểm sát nhân dân.


Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang thẳng thắn phân tích, đề nghị: Tuổi làm việc của phụ nữ theo quy định ít hơn nam giới nhưng lại thường được đào tạo trễ hơn (do có thời gian sinh con). Kéo theo đó, điều kiện phấn đấu của phụ nữ để đưa vào quy hoạch cũng chậm hơn. Có người được cử đi đào tạo nhưng học xong thì đã qua tuổi quy hoạch. Vì vậy, rất cần xem xét để có chính sách đào tạo phụ nữ sớm hơn, kịp thời hơn.


Một số sáng kiến tham khảo

 

Việt Nam là một trong 6 quốc gia đầu tiên tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đồng thời, hình thành bộ máy VSTBPN từ trung ương tới địa phương, các bộ, ngành nhằm triển khai các hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới ở Việt Nam, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị…

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Vụ trưởng Vụ 9, thành viên Ban VSTBPN ngành Kiểm sát nhân dân xác định, trước hết cần tránh lẫn lộn giữa hoạt động của ban Nữ công với ban VSTBPN. Ban Nữ công là tổ chức đoàn thể tự nguyện, hoạt động chủ yếu là thăm hỏi ốm đau, kỷ niệm các ngày lễ của phụ nữ. Ban VSTBPN hướng tới cơ hội cho chị em tham chính, nâng cao địa vị chính trị, có các thiết chế, thể chế bảo đảm cho sự phát triển, tiến bộ của chị em. Ông Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao nhấn mạnh, bình đẳng giới khác với bình đẳng nói chung. Cần tạo mọi điều kiện cho nữ giới phát triển và làm mọi việc bình đẳng như nam giới, những việc phù hợp nên để nữ giới đảm nhiệm và phát huy.


Với những vướng mắc về kinh phí hoạt động, theo ông Lê Văn Tiến (VKSND tỉnh Tây Ninh), các ban cần chủ động lập dự toán để chủ động kinh phí. Ví dụ, hiện nay, Ban VSTBPN VKSND Tây Ninh đã xây dựng xong kế hoạch hoạt động và dự trù kinh phí cả năm 2014. Do đó, khi kinh phí ngân sách phân bổ về, đơn vị có thể dành một phần, giúp hoạt động của Ban chủ động và phong phú, như: Tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ nữ hàng năm; cho nữ cán bộ đi tham quan, du lịch, giao lưu học tập kinh nghiệm ở VKSND các địa phương ngoài tỉnh...


Về việc tổ chức kỷ niệm ngày 8-3, 20-10, Ban VSTBPN VKSND tỉnh Sóc Trăng lồng ghép với Ban Nữ công, Công đoàn để tổ chức hội thi nấu ăn do nam giới trổ tài, qua đó giúp nam giới đồng cảm với chị em, biết lo chuyện bếp núc. Còn Ban VSTBPN VKSND tỉnh Kiên Giang lại phối hợp với Nữ công, Công đoàn họp mặt toàn cơ quan. Tại các buổi họp mặt, các đồng nghiệp nam là diễn giả phát biểu quan điểm, chia sẻ suy nghĩ về giới trong mọi công việc, qua đó ghi nhận, động viên chị em hoặc uốn nắn những cách hiểu chưa đúng về bình đẳng giới...

 
Mô hình “Nam giới điểm 10” do UBND tỉnh Long An phát động và được Ban VSTBPN VKSND Long An hưởng ứng là sáng kiến được quan tâm. Hàng năm, Ban VSTBPN VKSND Long An xây dựng kế hoạch phát động thực hiện mô hình. Trên cơ sở đó, các tổ công đoàn quán triệt để các nam cán bộ, công chức đăng ký và cam kết thực hiện mô hình theo 4 tiêu chí (thực hiện tốt nghĩa vụ trong gia đình, thủy chung chồng vợ, kính trọng cha mẹ, yêu thương con cái; tôn trọng, tin tưởng, quan tâm giúp đỡ vợ chồng cùng nhau tiến bộ, cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm và giữ gìn tổ ấm của gia đình; luôn có ý thức trách nhiệm đối với xã hội, trong đơn vị, gia đình; quan tâm giúp đỡ phụ nữ trong cơ quan và ngoài xã hội). Sau khi có kết quả tự chấm điểm của các tổ công đoàn, Ban VSTBPN VKSND tỉnh phối hợp với ban thanh tra nhân dân, ban chấp hành công đoàn thẩm tra lại kết quả tự chấm điểm rồi chọn ra những người đạt điểm 10 để tuyên dương, khen thưởng vào dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Phong trào này đã giúp nam cán bộ công chức của đơn vị phát huy tốt vai trò của người chồng, người cha, người con hiếu thảo trong gia đình, người cán bộ tốt của cơ quan. Qua đó, giúp nữ cán bộ, công chức phát huy phẩm chất phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc...


N.V