11:11, 04/11/2013

Báo động tình trạng mất an toàn lao động

Hiện nay, ở phần lớn các công trình xây dựng, mỏ khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động do thiếu phương tiện bảo hộ lao động trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; .....

Hiện nay, ở phần lớn các công trình xây dựng, mỏ khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) do thiếu phương tiện bảo hộ lao động (BHLĐ) trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ý thức bảo vệ tính mạng của người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động còn rất kém…


Từ công trình xây dựng…


Tại một công trình xây dựng khách sạn trên đường Hoàng Diệu (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) có hàng chục công nhân làm việc. Hầu hết đứng chênh vênh trên tấm ván được bắc qua giàn giáo nhưng không có lưới an toàn; trang phục BHLĐ của công nhân rất sơ sài, thậm chí có người không mặc áo nhưng vẫn cần mẫn làm việc. Bên cạnh công trình này, tầng thứ 8 của một khách sạn cũ đang được các thợ sơn đứng cheo leo trên những tấm ván gỗ cật lực chà tường làm bụi bay mù mịt. Những công nhân này chỉ mang chiếc khẩu trang mỏng, không có kính bảo vệ. Khuôn mặt lấm lem, hai mắt đỏ ngầu vì bụi, anh Hải - một thợ sơn làm việc ở đây cho biết: “Tôi làm thợ sơn đã được 3 năm. Mỗi ngày, tôi được trả công 120.000 đồng, ăn uống chủ lo. Từ ngày vào nghề, chúng tôi không hề được trang bị BHLĐ. Mặc dù có mang khẩu trang, nhưng hàng ngày hít phải bụi nên tối về bị ho và khó thở. Biết là nghề này rất nguy hiểm, độc hại, nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên chúng tôi không thể bỏ được”.

 

1
Công nhân xây dựng đứng chênh vênh trên giàn giáo mà không có dây đai an toàn.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ của số công nhân làm việc ở công trình xây dựng và sửa chữa khách sạn này hầu như chưa qua bất cứ một khóa đào đạo nào về xây dựng. Tích lũy được kinh nghiệm, có chút vốn trong tay, ông này đứng ra nhận thầu công trình. Những người công nhân làm việc  ở đây đều là lao động thời vụ, không được trang bị kiến thức cũng như phương tiện bảo hộ, không ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội, y tế. Các giàn giáo xây dựng được sử dụng nhiều lần và lâu năm, tiềm ẩn nguy cơ gây TNLĐ bất cứ lúc nào.


Ở một công trình xây dựng khác trên đường Hùng Vương (TP. Nha Trang), mỗi ngày có cả trăm lao động làm việc. Bên ngoài bức tường tầng thứ 8 của tòa nhà, các công nhân đu mình trên dây để trát tường. Quan sát từ bên ngoài, ông Đào Quốc Trưởng - chuyên viên an toàn vệ sinh lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh nói: “Cách làm việc của các công nhân ở công trình này chưa đảm bảo quy trình an toàn lao động (ATLĐ), trang bị BHLĐ sơ sài, ý thức của NLĐ và chủ sử dụng lao động rất kém. Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn mỏng, đặc biệt là những công trình xây dựng dân dụng rất mất ATLĐ nhưng lại bị bỏ ngỏ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ chết người”.  

 

1
Đu mình tô trát nhà cao tầng.

 
… đến khai thác, chế biến đá


Có mặt ở mỏ khai thác đá Tân Dân (huyện Vạn Ninh) mới thấy sự vất vả của những phu đá. Ở lưng chừng núi, từng tốp công nhân hì hục đập đá, chẻ đá, trên người họ chỉ mặc bộ quần áo mỏng, đầu đội mũ lưỡi trai. Phía trên họ là vách núi với những phiến đá lồi lõm, cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Anh Nguyễn Hoàng Quân (xã Vạn Khánh) cho biết: “Nghề chẻ đá rất cực nhọc, muốn theo nghề này phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Tôi làm ở đây đã hơn 3 năm, mỗi tháng thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Tuy biết làm việc này nguy hiểm rình rập, nhưng vì miếng cơm, manh áo, chúng tôi vẫn phải gò lưng mà làm, cầu cho tai ương không đến với mình…”.  

 

1
Công nhân Công ty Cổ phần Thuận Đức làm việc bên máy xẻ đá


Chúng tôi đến Công ty Cổ phần Thuận Đức (xã Vạn Khánh). Trong xưởng chế biến đá, tiếng máy cưa đá tạo ra âm thanh nhói tai. Bên cạnh mỗi chiếc máy cưa đều có 1 đến 3 công nhân điều khiển máy, nhưng không có ai được trang bị thiết bị chống ồn. Anh T. - công nhân Công ty cho biết, công việc ở đây khá vất vả, nặng nhọc. Mỗi ngày làm việc 8 giờ trong môi trường tiếng máy cưa inh ỏi. Mới chỉ 1 năm làm việc mà thính giác của tôi bị giảm đi rất nhiều. Còn ông Lê Văn Đôn - Giám đốc điều hành Công ty cho biết, đơn vị hiện có 40 lao động làm việc. Hàng năm, công ty đều trang bị BHLĐ cho công nhân, đặc biệt là máy bịt lỗ tai chống ồn; nhưng quá trình làm việc, công nhân thấy vướng nên không đeo...


Xin hãy quý trọng mạng sống  

 
Nghề xây dựng và khai thác đá luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nếu chủ quan hoặc thiếu ý thức trong quá trình lao động có thể xảy ra hậu quả khó lường. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thanh tra tại 9 đơn vị khai thác, chế biến đá và 6 đơn vị thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm về ATLĐ. Đó là: Chưa tổ chức huấn luyện và cấp thẻ an toàn cho NLĐ; không tham gia bảo hiểm tai nạn cho NLĐ; chưa tiến hành kiểm định lại số thiết bị đã hết hạn; chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ…


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tuy ngành đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, tập huấn, thanh kiểm tra, xử phạt các đơn vị vi phạm ATLĐ. Thế nhưng, hiện nay, vẫn còn nhiều đơn vị chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật làm việc, trang bị các phương tiện, thiết bị BHLĐ cho công nhân. Bên cạnh đó, do nhận thức về ATLĐ của bản thân công nhân còn hạn chế nên không ít NLĐ đã bỏ qua các nguyên tắc an toàn, khoa học trong quá trình làm việc. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ trong quá trình làm việc, ngoài nhiệm vụ của các ngành chức năng, đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm hàng đầu. Bởi lẽ chính họ hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công việc.

 
Được biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ TNLĐ, làm chết 2 người (tại Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Khánh Hòa và Nhà máy gạch tuynel Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh). Vì vậy, để có môi trường lao động an toàn, bên cạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người trực tiếp sản xuất thì trách nhiệm của doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những đơn vị vi phạm ATLĐ, phòng, chống cháy nổ.


PHÚ VINH