10:11, 04/11/2013

Sẽ cải tạo thành đồng ruộng

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, công trình hồ chứa nước Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Vì vậy, huyện dự định cải tạo khu vực lấy đất, đá xây dựng công trình để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, công trình hồ chứa nước Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Vì vậy, huyện dự định cải tạo khu vực lấy đất, đá xây dựng công trình để phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Cần cải tạo để có đất sản xuất

 

Bãi vật liệu D - nơi lấy đất đá đắp đập Tà Rục.
Bãi vật liệu D - nơi lấy đất đá đắp đập Tà Rục.

 

Ông Nguyễn Ta - Phó phụ trách Phòng NN-PTNT huyện: Dự kiến, sau khi bàn giao công trình hồ chứa nước Tà Rục, huyện sẽ xây dựng cánh đồng sản xuất lúa và mía. Huyện chọn khu vực này để sản xuất những giống mía mới nhất. Với điều kiện thuận lợi về nước tưới sẽ thực hiện khảo nghiệm giống mía thành công.

Bãi vật liệu D - nơi lấy đất đá thi công đập Tà Rục nằm cách không xa khu tái định cư của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã Cam Phước Tây. Ông Đinh Văn Cư - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, diện tích dành cho bãi vật liệu nằm trên địa bàn xã hơn 200ha. Do người dân nhường đất để thi công hồ Tà Rục nên diện tích đất sản xuất của 2 thôn Văn Sơn và Văn Thủy 1 giảm mạnh. Trong đó, thôn Văn Sơn có 157 hộ ĐBDTTS phải di dời, tái định cư... Còn ông Trần Đình Lập - Chủ tịch UBND xã khẳng định, hiện nay, nhu cầu đất sản xuất cho ĐBDTTS rất lớn. Do thiếu đất sản xuất, người dân chủ yếu sống nhờ rẫy, rừng nên khó bảo đảm cuộc sống. Việc nghiên cứu, cải tạo bãi vật liệu sau khi thi công hồ Tà Rục có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp của xã, đặc biệt là vùng ĐBDTTS. Nếu Nhà nước cho phép lập dự án cải tạo bãi vật liệu thành đồng ruộng, mỗi hộ sẽ được giao khoảng 3 sào (3.000m2), có thể tự chủ về lương thực.


Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, sau khi nghiên cứu huyện nhận thấy có thể cải tạo bãi vật liệu D tại khu vực hồ chứa nước Tà Rục thành đồng ruộng để mở rộng diện tích đất canh tác, tránh lãng phí đất đai. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích và hoàn toàn phù hợp với nhu cầu đất sản xuất hiện nay của ĐBDTTS. Nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép, huyện sẽ lập dự án cải tạo theo phương án tối ưu. Huyện đã trình tỉnh xem xét vấn đề này, đồng thời đề nghị tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép quy hoạch bãi vật liệu D thành đồng ruộng sau khi bàn giao công trình hồ chứa Tà Rục cho địa phương quản lý.


Người dân cần đất sản xuất

 

 

Ông Cao Kim Bái - Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT) - đơn vị chủ đầu tư hồ chứa nước Tà Rục: Năm 2015, công trình hồ chứa nước Tà Rục hoàn thành sẽ bàn giao cho tỉnh quản lý. Việc quản lý, sử dụng thế nào là do địa phương quyết định. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu, lượng nước hồ Tà Rục không dồi dào do nguồn sinh thủy yếu, các con suối ngắn. Huyện Cam Lâm cần nghiên cứu, xây dựng dự án sử dụng nước hiệu quả, khả thi

Để nhường đất thi công hồ Tà Rục, xã Cam Phước Tây đã có 278 hộ với 1.289 nhân khẩu phải di dời, tái định cư. Trong đó, có 148 hộ với 515 nhân khẩu là ĐBDTTS thiếu đất nghiêm trọng, số còn lại phải chuyển sang làm rẫy, rừng. Do diện tích lúa nước hạn chế nên cuộc sống rất bấp bênh. Theo ông Trần Vĩnh Hạnh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, khi công trình hoàn thành, sẽ hình thành tuyến kênh chính Bắc cung cấp nước tưới cho 114ha tại xã Cam Phước Tây. Do độ sâu của bãi vật liệu bình quân từ 1,3 đến 2m nên có thể san ủi để làm đồng ruộng. Diện tích còn lại, huyện triển khai sản xuất mía giống và mía nguyên liệu. Khu vực này sẽ mở ra triển vọng mới cho vùng ĐBDTTS tại xã Cam Phước Tây, bảo đảm an ninh lương thực, thoát nghèo bền vững; đồng thời tạo động lực cho chương trình sản xuất mía giống...


Được biết, thời gian qua, xã Cam Phước Tây đã vận động ĐBDTTS làm lúa nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, làm tăng năng suất, thay đổi dần tập quán sản xuất lúa rẫy... Đến nay, đã có 30 hộ ĐBDTTS tại khu tái định cư đã mua được ruộng và cải tạo một số diện tích ven suối để làm lúa nước với tổng diện tích gần 6ha. Xã đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp duyên hải miền Trung mở 1 lớp đào tạo nghề sản xuất lúa nước cho người dân. Ngoài ra, hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện mở lớp huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho người dân như: Trồng cây trên đất trống, đồi trọc; trồng rau sạch; trồng dừa xiêm lùn; trồng xoài, cây ăn quả; chăn nuôi heo, gà, bò... Nhờ đó, trình độ sản xuất, canh tác của ĐBDTTS được nâng lên, năng suất lúa không thua kém người Kinh (trước đây sản xuất lúa chỉ đạt 2,5 đến 3 tấn/ha, hiện nay đã đạt 5 - 5,5 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 6,5 tấn/ha)...


VĨNH LẠC