Áp thấp nhiệt đới này tương tự như áp thấp nhiệt đới của cơn bão số 13, khả năng thành bão không cao sau khi vào biển Đông.
Áp thấp nhiệt đới này tương tự như áp thấp nhiệt đới của cơn bão số 13, khả năng thành bão không cao sau khi vào biển Đông.
Phía Đông Nam của Philippines đang xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới mới, với tốc độ di chuyển từ 30 đến 35km/giờ. Trong vòng 24 giờ tiếp theo, áp thấp có thể mạnh lên thành bão và tiến vào biển Đông vào thời điểm trưa và đầu giờ chiều 13/11. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về diễn biến của áp thấp này.
PV: Thưa ông, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn có nhận định như thế nào về áp thấp nhiệt đới vừa hình thành?
Ông Bùi Minh Tăng: Áp thấp nhiệt đới này cũng tương tự như áp thấp nhiệt đới của cơn bão số 13, khả năng thành bão không cao sau khi vào biển Đông. Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển với tốc độ rất nhanh và khoảng ngày 14, 15/11 sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hiện giờ, nó có thành bão khi vào bờ hay không thì còn phải dựa vào diễn biến về cường độ và đường đi còn khá phức tạp.
Áp thấp nhiệt đới hình thành thời điểm này không có gì là bất thường chỉ có điều là áp thấp nhiệt đới ở phía Nam biển Đông thì thường có những di chuyển phức tạp và tốc độ di chuyển nhanh và di chuyển bất ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải theo dõi sát các tin thông báo diễn biến bão hàng ngày bởi vì mỗi giờ vị trí tâm và diễn biến của áp thấp có những thay đổi.
Ông Bùi Minh Tăng |
PV: Thưa ông, Trung tâm có cảnh báo như thế nào đối với tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển phía Nam và khu vực miền Trung?
Ông Bùi Minh Tăng: Những ngày đầu và giữa tuần này, cụ thể là từ nay đến ngày 14, 15/11, ở các vùng biển khu vực Nam biển Đông và một phần khu vực giữa Biển Đông khoảng từ vĩ tuyến 10-15 nằm trong vùng áp thấp nhiệt đới có thể đi qua vùng biển này có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, kèm theo những khối mây giông có thể gây lốc xoáy, gió giật mạnh khá là nguy hiểm, kèm theo những cơn sóng cao từ 4-5m nguy hiểm đối với tàu thuyền.
PV: Theo ông, các tàu thuyền phải di chuyển đến những nơi nào để ra khỏi vùng nguy hiểm?
Ông Bùi Minh Tăng: Sau bão số 14 vừa qua thì nhiều tàu thuyền đã ra khơi. Theo như ý kiến riêng của tôi, các tàu thuyền đã vào bờ thì nên lưu lại ở trong bờ một vài ngày nữa để theo dõi áp thấp nhiệt đới này nếu có thành bão thì khoảng giữa tuần áp thấp sẽ vào bờ và tan đi. Lúc đó, tàu thuyền ra khơi còn những tàu thuyền nào vẫn đang hoạt động ngoài khơi thì nên di chuyển vĩ tuyến 9 hoặc 10. Đó là ở phía Nam còn nếu ở phía Bắc thì nên di chuyển vượt lên trên vĩ tuyến 16 là những vùng tương đối an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV