Theo ông Hồ Ngọc Ân - Trưởng phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tuyển của TP. Nha Trang, Hội đồng đã tuyển chọn 30 trí thức trẻ để bồi dưỡng phục vụ Đề án thí điểm đưa trí thức trẻ về công tác tại xã, phường để bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn thành phố.
Theo ông Hồ Ngọc Ân - Trưởng phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tuyển của TP. Nha Trang, Hội đồng đã tuyển chọn 30 trí thức trẻ để bồi dưỡng phục vụ Đề án thí điểm đưa trí thức trẻ về công tác tại xã, phường để bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn thành phố.
- Thưa ông, vì sao TP. Nha Trang lại thực hiện thí điểm Đề án này?
- Đề án thí điểm đưa trí thức trẻ về công tác tại xã, phường để bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Nha Trang được HĐND tỉnh thông qua ngày 5-12-2012. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các xã, phường thuộc TP. Nha Trang tiếp nhận trí thức trẻ được bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2013 đến hết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của HĐND và UBND các cấp.
Việc xét tuyển trí thức trẻ về công tác tại xã, phường nhằm tăng cường cán bộ có trình độ đại học chính quy; trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường; chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trước mắt và lâu dài cho xã, phường và thành phố. Vì thế, trí thức trẻ tuyển dụng phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn như: Tốt nghiệp từ trung bình khá trở lên; không quá 27 tuổi; tình nguyện về công tác tại xã, phường và phục vụ lâu dài trong bộ máy hệ thống chính trị cấp xã và TP. Nha Trang, thời gian tối thiểu là 5 năm; ưu tiên những người có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước từ 1 năm trở lên.
- Các trí thức trẻ sẽ được trang bị những gì để sau khi bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể đảm nhiệm công việc, thưa ông?
- TP. Nha Trang vừa khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho 30 trí thức trẻ được tuyển chọn. Trong thời gian 3 tháng, các trí thức trẻ sẽ được bồi dưỡng kiến thức chung về quản lý nhà nước, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở cấp xã và một số kỹ năng cần thiết đối với cán bộ cấp xã. Các trí thức trẻ sẽ có 1 tháng nghiên cứu thực tế ở xã, phường. Trong thời gian nghiên cứu thực tế, trí thức trẻ phải nắm bắt tình hình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản lý hoặc giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hết thời gian học chương trình bồi dưỡng và nghiên cứu thực tế, Hội đồng xét tuyển thành phố sẽ tổ chức thi tuyển. Từ kết quả học tập và kết quả thi tuyển, Hội đồng xét tuyển sẽ chọn ra những trí thức trẻ đạt yêu cầu.
- Xin ông cho biết, chế độ, trách nhiệm của trí thức trẻ được quy định như thế nào?
- Trên cơ sở danh sách trí thức trẻ được tuyển chọn, Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định tuyển dụng và phân công công tác về xã, phường để đưa ra HĐND cấp xã bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND trong kỳ họp sớm nhất. Khi được bầu giữ chức vụ này, ngoài thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực được phân công, trí thức trẻ còn giúp UBND xã, phường xây dựng và triển khai các giải pháp thực hiện nghị quyết HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch về công tác cải cách hành chính của địa phương. Trí thức trẻ được hưởng lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định.
Nếu trí thức trẻ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian công tác, khi hết thời gian thí điểm, sẽ được giới thiệu để HĐND cấp xã tiếp tục bầu giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo cao hơn của địa phương, điều động, bố trí công tác tại các phòng, ban và tương đương của thành phố.
Trường hợp trí thức trẻ không trúng cử, được xem xét bố trí công tác tại cơ quan chuyên môn của thành phố theo nhu cầu, điều kiện và quy định.
- Xin cảm ơn ông!
K.N (Thực hiện)