07:10, 30/10/2013

Còn nhiều trở ngại

Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thí điểm công tác quản lý đàn chó nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh dại và đưa vấn đề này dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu nằm ở ý thức người dân và công tác tuyên truyền...

Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thí điểm công tác quản lý đàn chó nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh dại và đưa vấn đề này dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu nằm ở ý thức người dân và công tác tuyên truyền...


Thí điểm thực hiện tại 4 xã, phường

 

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 9 lớp tập huấn tuyên truyền với 500 người tham dự, đối tượng là cán bộ thú y cơ sở, cán bộ xã, phường và người nuôi chó; in và cấp phát hơn 30.000 tờ rơi tuyên truyền. 9 tháng năm 2013, toàn tỉnh đã tiêm phòng cho hơn 31.000 con chó, mèo… Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh có đội chuyên trách vừa thực hiện công tác tuyên truyền, vừa xử lý chó thả rông.

Ông Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đơn vị đang thí điểm triển khai Chương trình quản lý đàn chó, tiến tới thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh dại giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2014, sẽ có 90% đàn chó nuôi được quản lý; 90% đàn chó nuôi được tiêm phòng bệnh dại; nhận thức của người dân về bệnh dại và cách phòng, chống bệnh dại được nâng cao; nâng cao chất lượng giám sát, xử lý bệnh dại của ngành Thú y và chính quyền địa phương.


Chương trình chọn 4 xã, phường: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương (TP. Nha Trang), Cam Linh, Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) làm thí điểm thực hiện trong vòng 18 tháng, bắt đầu từ ngày 1-7-2013, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Nội dung chương trình là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tập huấn nâng cao nhận thức cho người nuôi, cộng đồng về bệnh dại và cách phòng, chống bệnh dại; vận động người dân thực hiện “5 không” (không nuôi chó chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó không được tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó gây ô nhiễm môi trường). Cùng với đó, phát hành tờ rơi tuyên truyền; thôn, tổ phối hợp với thú y tiến hành thống kê, quản lý đàn chó; lập sổ theo dõi chó nuôi, hộ nuôi; chủ hộ đăng ký số lượng chó nuôi, cam kết tiêm phòng đầy đủ và không được nuôi thả rông; tổ chức tiêm phòng bắt buộc 2 đợt/năm...

1
Cán bộ Chi cục Thú y tiêm phòng dại cho chó


Đến nay, các xã, phường thí điểm đang triển khai việc điều tra, thống kê đàn chó nuôi; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi chó nâng cao hiểu biết về bệnh dại và không nuôi chó thả rông; triển khai tiêm phòng bổ sung bệnh dại cho số chó mới phát sinh... Ông Lê Văn Tuấn (thôn Hòa Do 7, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) cho biết, xã đã tổ chức tập huấn cho người nuôi chó biết về bệnh dại và cách phòng ngừa. Từ đó, người dân nhận thức được tác hại của bệnh, ý thức vấn đề tiêm phòng đàn chó tốt hơn...


Vẫn còn trở ngại

Tại Khánh Hòa, hàng năm có hơn 3.500 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng. Năm 2009, xảy ra 1 ca tử vong tại xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) do chó dại cắn. 8 tháng năm 2013, đã có 1.316 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhận thức tốt. Do mô hình mới triển khai một thời gian ngắn nên công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế. Ông Nguyễn Trung Tiến - cán bộ thú y xã Cam Thành Nam thừa nhận: “Do nhận thức của người nuôi chó còn hạn chế, đã quen cách nuôi chó thả rông nên việc vận động, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Một trở ngại khác là vấn nạn bắt trộm chó đang gia tăng khiến người nuôi chó không mặn mà với việc quản lý, tiêm phòng của ngành chức năng; bởi người nuôi phải trả tiền mua vắc xin và công tiêm phòng, nhưng khi chó bị bắt trộm thì uổng công, uổng tiền...”. Tháng 6-2013, xã Cam Thành Nam tổ chức tiêm phòng cho đàn chó (ngoài chương trình thí điểm) 200 con, nhưng sau khi thống kê theo chương trình quản lý, đàn chó tăng lên 490 con. Do vậy, xã phải tiếp tục tiêm bổ sung cho 290 con.


Ông Nguyễn Lương Thao cho biết, những khó khăn của chương trình chủ yếu do ở ý thức người dân và công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương rất lớn. Vì vậy, các công việc sẽ tiến hành thuận lợi hơn khi đã đi vào nề nếp.


P.L