11:10, 22/10/2013

Nghĩa trang Gò Cây Cóc: Bao giờ đóng cửa?

Tuy nghĩa trang Gò Cây Cóc, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang đã đóng cửa từ lâu, nhưng vẫn có không ít người dân đem thi thể người thân đến đây an táng. Việc làm này vừa trái với quy định, gây ô nhiễm môi trường vì nghĩa trang này nằm quá gần khu dân cư…

Tuy nghĩa trang Gò Cây Cóc, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang đã đóng cửa từ lâu, nhưng vẫn có không ít người dân đem thi thể người thân đến đây an táng. Việc làm này vừa trái với quy định, gây ô nhiễm môi trường vì nghĩa trang này nằm quá gần khu dân cư…


Vi phạm lệnh cấm


Từ lâu UBND TP. Nha Trang đã quyết định dừng việc an táng tại tất cả các nghĩa trang cũ và nghĩa trang tự phát trong các khu dân cư. Những người quá cố được đưa về chôn cất tại các nghĩa trang Phước Đồng, Bắc Đèo Rù Rì, Đồng Chuông và Vĩnh Phương. Chủ trương này của UBND TP. Nha Trang được nhiều người dân đồng tình vì phù hợp với quá trình phát triển đô thị, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực dân cư xung quanh các nghĩa trang.

 

1
Nghĩa trang Gò Cây Cóc nằm ngay sát khu dân cư.


Nằm trong số những nghĩa trang bị đóng cửa, nghĩa trang Gò Cây Cóc ở xã Vĩnh Thạnh từ lâu đã không được phép an táng. Tuy khu vực chôn cất này hình thành từ lâu, nhưng dân cư ở đây đã phát triển khá nhanh nên việc ngừng an táng tại nghĩa trang này là cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại việc chôn cất người đã khuất vẫn thường xuyên diễn ra ở đây. Tình trạng này khiến những hộ dân sống gần khu vực nghĩa trang hết sức bất bình. Ông Bùi Hữu Minh (tổ 7, thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Đây là khu vực dân cư, không biết UBND xã quản lý thế nào mà để cho nhiều gia đình vẫn đến đây chôn cất. Đất ở nghĩa trang này tuy đã hết chỗ, nhưng hàng năm vẫn có hàng chục ngôi mộ mới chen lấn mọc lên. Nhiều gia đình ngang nhiên đem người thân an táng ngay sát đường giao thông, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trời nắng còn đỡ, chứ vào những ngày trời mưa mùi xú khí ở đây rất nặng. Các gia đình ở cạnh nghĩa trang khổ sở vì sự ô nhiễm này. Nếu chính quyền địa phương không sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hệ lụy của nó sẽ rất lớn”.


Không chỉ có tình trạng chôn mộ mới, các mộ phần cải táng từ nơi khác cũng được nhiều gia đình đưa về đây để xây mộ. Vấn đề này từ lâu đã bị các hộ dân địa phương phản đối. Song, vì yếu tố tâm linh và tôn trọng người đã khuất nên các hộ dân chỉ làm đơn kiến nghị lên các cấp chứ không ngăn cản quyết liệt. Bà Nguyễn Thị Hồng Tiên (tổ 7 thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh) bức xúc: “Việc an táng ngay trong khu dân cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống gần nghĩa trang. Đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất là trẻ nhỏ và các cụ già. Đặc biệt, nhiều gia đình có phụ nữ mới sinh, không chịu được sự ô nhiễm đã phải đi tá túc ở nơi khác. Người dân chúng tôi đã phản ánh đến nhiều cấp, nhưng đến nay thực trạng này vẫn diễn ra”.


Khó khăn trong khâu giải quyết

 

Nghị định 35 (năm 2008) của Chính phủ quy định, việc an táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang đã được phê duyệt xây dựng đúng theo pháp luật, cấm các trường hợp xây dựng nghĩa trang không theo quy hoạch, hoặc không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấm an táng người chết ở bên ngoài nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch. Ngoài ra, để bảo đảm vệ sinh cũng như bảo vệ môi trường, năm 2009, Bộ Y tế có thông tư 02 quy định không cho phép mai táng người chết trong khu dân cư. Việc mai táng các thi hài chỉ được tiến hành trong khu mộ tập thể tại các nghĩa trang hoặc những vị trí đáp ứng được các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành.


Được biết, cử tri xã Vĩnh Thạnh cũng đã nhiều lần có ý kiến phản ánh tại các kỳ họp của HĐND và đề nghị phải đóng cửa hoàn toàn nghĩa trang này. Tuy nhiên, hiện chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng chôn cất người chết ở nghĩa trang cũ. Ông Lê Văn Vĩnh - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Nghĩa trang Gò Cây Cóc đã hình thành từ lâu. Cách đây khoảng 15 năm, UBND thành phố có văn bản cấm không được chôn cất tại các nghĩa trang xã, nhưng vì nhiều hộ dân khó khăn về kinh tế nên họ vẫn chôn ở đây. Chúng tôi cũng nhiều lần bàn về vấn đề này nhưng chưa thể tìm được cách giải quyết tốt nhất. Các hộ có người thân an táng ở đây đa phần đều là những gia đình khó khăn về kinh tế, do đó cấm họ cũng khó. Theo tiêu chí nông thôn mới, việc tồn tại nghĩa trang này sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí về môi trường của địa phương. Hiện UBND xã đang làm kiến nghị lên UBND thành phố để có hướng giải quyết. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục vận động người dân đem người đã khuất đến an táng ở những nghĩa trang quy định của thành phố”.

 


Theo ông Ngô Khắc Thinh - Phó Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, việc an táng tại các nghĩa trang hiện đã được UBND thành phố rà soát và có quy hoạch cụ thể. Do đó, những địa phương có các nghĩa trang cũ đã bị cấm chôn cất phải có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp an táng không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân để họ không vi phạm. Để giải quyết tình trạng chốn cất không đúng nơi quy định như ở nghĩa trang Gò Cây Cóc là khá nan giải. Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu để xây dựng thêm nghĩa trang mới ở khu vực giáp với huyện Cam Lâm nhằm giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng.

 


Vẫn biết việc phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định không hề đơn giản, song chủ trương đóng cửa các nghĩa trang cũ ở TP. Nha Trang cần được thực hiện một cách khẩn trương và triệt để. Trong khi chờ UBND TP. Nha Trang đề ra những giải pháp cụ thể, việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định cho mỗi người dân, mỗi gia đình là cần thiết.


Đình Lâm