Công tác xã hội là một nghề đặc biệt bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Thực tế cho thấy đây là một nghề cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội và có nhiều triển vọng trên thị trường lao động.
Công tác xã hội (CTXH) là một nghề đặc biệt bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Thực tế cho thấy đây là một nghề cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội và có nhiều triển vọng trên thị trường lao động.
Nghề của lòng yêu thương
Đến thăm Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa, chúng tôi mới hiểu được tình thương cũng như nỗi vất vả của các nhân viên ở đây trong việc chăm sóc, nuôi dạy hơn 40 trẻ em bị khiếm thính, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Chị Trịnh Thị Tường Vi - nhân viên của Trung tâm cho biết: “Hàng ngày, công việc của chúng tôi là chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân và dạy học cho các em. Bản thân các em bị khuyết tật đã thiệt thòi, nhiều em còn không có người thân, ốm đau, bệnh tật có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó ngoài kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ thì với những người làm công tác ở đây luôn phải có một trái tim nhân hậu, biết cảm thông, yêu thương và có lòng kiên trì, nhẫn nại trong mọi hành động, lời nói”.
Tương tự, công việc hàng ngày của chị Đặng Thị Vẻ và các nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là chăm lo ăn, ở, sinh hoạt, sức khỏe cho các đối tượng là người khuyết tật, tâm thần, lang thang, người già neo đơn... “Hầu hết các đối tượng ở đây có hoàn cảnh khó khăn, éo le. Có trường hợp khi được đưa vào đây không có áo quần lành lặn, chúng tôi phải đi tìm quần áo cho họ mặc. Có những việc không tiện kể ra nhưng phải là người tâm huyết, yêu nghề mới có thể gắn bó, bám trụ với nghề”, chị Vẻ chia sẻ...
Thực tế cho thấy, CTXH là một nghề đặc biệt bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Các đối tượng tác động của nghề là những đối tượng đặc biệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội như: Bảo vệ chăm sóc trẻ em, phụ nữ, người già yếu không nơi nương tựa, người tàn tật, người mắc tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS), nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/điôxin... Do đó đòi hỏi người làm nghề phải có những phẩm chất và nghiệp vụ chuyên nghiệp. Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói: “Nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của đất nước. Đặc biệt, nghề CTXH góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, cộng đồng những người yếu thế”.
Nhiều triển vọng
Cùng với sự phát triển về kinh tế, những năm gần đây khoảng cách giàu nghèo và các vấn đề xã hội có chiều hướng gia tăng và trở nên phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 9 triệu người nghèo, 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy và hơn 15.000 người hoạt động mại dâm… Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020”. Nghề CTXH cũng đã có mã ngạch, chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức. Theo đó, từ năm 2010 - 2020, mỗi năm nước ta cần phải đào tạo và đào tạo lại 3.500 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học. Từ đó cho thấy nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn về CTXH ở nước ta là rất lớn.
Riêng tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có khoảng 29.000 đối tượng cần sự tác động của nghề CTXH và ước đến năm 2020 có khoảng 475.300 người. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh ta tập trung xây dựng độ ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên CTXH không chuyên trách. Đồng thời, đào tạo và đào tạo lại chuyên ngành CTXH cho 195 người, trong đó trình độ trung cấp 165 người, trình độ cao đẳng, đại học 30 người; tấp huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho khoảng 885 cán bộ, công chức, viên chức mỗi năm; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ CTXH, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 Trung tâm Bảo trợ xã hội đặt tại các huyện, thị xã, thành phố và tạo điều kiện phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập và xây dựng thí điểm 1 Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng thêm số lượng viên chức, nhân viên CTXH ở các cấp, phấn đấu đến cuối năm 2020 mỗi xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên và 1 cộng tác viên CTXH; đào tạo, đào tạo lại chuyên ngành CTXH cho 205 viên chức, nhân viên đảm bảo trình độ từ trung cấp trở lên; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực thực hiện CTXH cho khoảng 965 người mỗi năm; xã hội hóa hoạt động CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghề CTXH và cung cấp dịch vụ CTXH…
Ông Mai Xuân Trí nói: “Việc phát triển nghề CTXH đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho những người có trình độ chuyên môn về CTXH vào làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; trong các cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, cử nhân CTXH cũng có thể làm việc tại các cơ sở cung ứng dịch vụ CTXH, các trường học, các trung tâm tham vấn và thực hành CTXH trong các lĩnh vực sức khỏe tâm thần, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, văn hóa, xã hội, môi trường, hoặc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo CTXH. Trong tương lai, những người có chuyên môn về CTXH có thể tìm kiếm việc làm trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau…
PHÚ VINH