07:10, 30/10/2013

Kinh nghiệm quản lý tổng hợp đới bờ tại TP. Hạ Môn

TP. Hạ Môn nằm ở phía Nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và phía Tây Đài Loan. Hạ Môn có 6 quận, dân số hơn 2,4 triệu người, chiều dài đường bờ biển 234km, diện tích vùng biển là 340km2.

TP. Hạ Môn nằm ở phía Nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và phía Tây Đài Loan. Hạ Môn có 6 quận, dân số hơn 2,4 triệu người, chiều dài đường bờ biển 234km, diện tích vùng biển là 340km2.


Năm 1984, Hạ Môn được chọn là vùng kinh tế trọng điểm. Kể từ đó, Hạ Môn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ các yếu tố: Có điều kiện tốt để phát triển cảng nước sâu; khí hậu thuận lợi; phong cảnh hấp dẫn; có năng lực khoa học - công nghệ; nằm ở vị trí chiến lược tam giác thương mại Hạ Môn - Zhangzhou - Quanzhou và gần Hồng Kông, Đài Loan.


Lúc đầu, Hạ Môn cũng phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch, phát triển cảng và xây dựng. Hậu quả tăng trưởng kinh tế nhanh làm Hạ Môn đối mặt các vấn đề quản lý như: Ô nhiễm biển, suy thoái môi trường sống, đánh bắt quá mức và xung đột trong sử dụng đa mục tiêu trong khi công tác quản lý đới bờ lại theo ngành và phân tán. Do vậy, tuy có sự hỗ trợ nhất định của khoa học nhưng không thể giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề nổi cộm trên, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Hạ Môn.


Trước tình hình đó, việc thiết lập chương trình quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) ra đời trên cơ sở Dự án trình diễn Hạ Môn GEF/UNDP/IMO đến nay đã trải qua 3 chu trình (chu trình 1: 1994 - 1998; chu trình 2: 2001 - 2006; chu trình 3: đang triển khai) thực hiện theo mô hình PEMSEA (Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á), cụ thể qua 6 bước là: Chuẩn bị; khởi động; xây dựng; thông qua; thực hiện và sàng lọc, củng cố. Đến nay, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 

1
Bãi biển Hạ Môn: Một góc bãi biển Hạ Môn.


Về cơ cấu tổ chức triển khai, trước khi có dự án QLTHĐB, hơn 12 cơ quan trung ương, tỉnh và địa phương giải quyết vấn đề liên quan tới biển, dẫn tới chồng chéo về chức năng, phạm vi, quyền hạn và tạo ra xung đột trong giai đoạn thực hiện chính sách. Cuối năm 1995, chính quyền TP. Hạ Môn thành lập Ủy ban Điều phối và quản lý biển (MMCC), sau này là Cơ quan Điều phối và quản lý biển (MMCO) - tổ chức điều phối đa ngành do chủ tịch thành phố điều hành, bao gồm các ban, ngành như: Xây dựng đô thị, khoa học, tài nguyên môi trường, thủy sản... MMCC và MMCO được thể chế hóa, đảm bảo điều phối liên ngành, liên cơ quan trong quá trình rà soát quy hoạch, kế hoạch, cấp phép cho các dự án đới bờ, ra quyết định và áp dụng các chức năng thu phí, chế tài...


Qua 2 chu trình và chu trình đang triển khai, TP. Hạ Môn đã đạt được nhiều thành tựu: Tăng cường năng lực quản lý và lập kế hoạch phát triển đới bờ; hồ sơ môi trường và kế hoạch quản lý môi trường chiến lược; cơ chế phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, phối hợp hỗ trợ tốt giữa các cơ quan; tạo khung thể chế QLTHĐB; phân vùng chức năng; quan trắc môi trường biển; cơ chế hỗ trợ khoa học và tư vấn được thành lập; hệ thống dữ liệu thông tin...


Công tác QLTHĐB đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như: Xây dựng kế hoạch phân vùng chức năng sử dụng biển Hạ Môn; làm sạch hồ Yuandang; nỗ lực xử lý nước thải; cải tạo môi trường sống của đảo Gulangyu và ISO 14001; khôi phục và cải thiện môi trường sinh thái vịnh Tông An; đạt những danh hiệu cao quý về môi trường và phát triển bền vững. Các chuyên gia đã phân vùng nước ven bờ Hạ Môn làm 8 vùng chức năng: vận tải biển/hoạt động cảng; vùng nuôi trồng thủy sản; vùng công nghiệp ven biển; vùng công trình biển; vùng khai thác mỏ; vùng bảo tồn thiên nhiên; vùng chức năng đặc biệt và vùng khôi phục môi trường. Các ưu tiên triển khai vùng được sắp xếp trên cơ sở ước tính về lợi ích kinh tế - xã hội và tác động môi trường do việc sử dụng gây ra. Bằng các biện pháp: xây dựng nhà máy thu gom xử lý nước thải; dọn sạch bùn và củng cố đê; đưa nước biển vào hồ tạo luân lưu nước biển; trồng cây, hoa dọc bờ hồ làm đẹp cảnh quan, chính quyền thành phố đã nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường hồ Yuandang từ ô nhiễm nặng nề bởi nước thải công nghiệp và sinh hoạt thành đô thị mới phát triển du lịch và dân sinh. Chính quyền thành phố đã nỗ lực xây dựng nhà máy xử lý nước thải bằng dự án vay của Ngân hàng Thế giới. Hiện có 204 hệ thống xử lý nước thải, công suất hơn 412 ngàn tấn/ngày. Hiện nay, phần lớn nước thải qua xử lý để tưới thảm thực vật Hạ Môn, thu phí nước thải 0,2 nhân dân tệ/tấn thông qua hóa đơn chung với cấp nước. Từ năm 2006, chính quyền Hạ Môn đã đầu tư 18 tỷ nhân dân tệ triển khai dự án khôi phục và cải thiện tổng hợp vịnh Tông An - phần cửa sông đổ ra vùng biển Hạ Môn nhằm cải thiện 100km2 bờ biển và cải thiện nước biển vịnh. Dự án đã đạt những kết quả đáng kể trong việc mở rộng phạm vi QLTHĐB ra vùng lân cận...


Với những cố gắng và thành tựu đạt được, TP. Hạ Môn đã được trao nhiều danh hiệu cao quý của Trung Quốc và quốc tế đối với thành phố phát triển như: Thành phố lành mạnh và vệ sinh quốc gia; thành phố top 10 có cuộc sống dễ chịu nhất của quốc gia; thành phố du lịch phát triển nhất quốc gia; thành phố công viên quốc tế; thành phố xuất sắc quốc gia về môi trường; thành phố phát triển bền vững của Liên hợp quốc…  


P.L