08:10, 24/10/2013

Cần có biện pháp và lộ trình phù hợp

Theo quy định, giữa khu dân cư không được phép tồn tại những cơ sở sản xuất, khu chăn nuôi hay giết mổ. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng các cơ sở sản xuất nằm xem kẽ trong các khu dân cư vẫn còn phổ biến.

Theo quy định, giữa khu dân cư không được phép tồn tại những cơ sở sản xuất, khu chăn nuôi hay giết mổ. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng các cơ sở sản xuất nằm xem kẽ trong các khu dân cư vẫn còn phổ biến. Cư dân xung quanh phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường mà không biết bao giờ những kiến nghị của mình được giải quyết…


Khổ vì ô nhiễm


Chị Nguyễn Thị Hồng, tổ 2 Ngọc Hiệp không khỏi bức xúc kể từ khi tiệm sắt ở kế bên đi vào hoạt động. Cả ngày đinh tai nhức óc vì tiếng máy, trong nhà lúc nào cũng bụi. Khổ nhất là khi họ sơn, xịt hàng… cả nhà muốn ngộp thở vì mùi sơn, hóa chất dù đã đóng kín cửa. Tình trạng này kéo dài triền miên mà không có lối thoát. “Tôi và nhiều hộ xung quanh đã kiến nghị địa phương nhưng cũng chỉ được trả lời cho qua. Thậm chí, họ còn nói chúng tôi thông cảm vì miếng cơm manh áo của họ. Thế nhưng họ vì thu nhập mà “tra tấn” hàng xóm thế này thì ai chịu cho nổi”.


Nhiều hộ dân sống xung quanh các khu giết mổ đường Đồng Nai, khu Đồng Muối, hay Ba Làng Vĩnh Hải đều lắc đầu ngán ngẩm khi nói về môi trường sống của mình. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, môi trường ô nhiễm do nước thải, họ còn bị ám ảnh bởi tiếng kêu của lũ heo bị giết vào lúc rạng sáng. “Ngày nào cũng vậy, cứ khi nghe tiếng heo kêu là tôi choàng tỉnh và không thể ngủ tiếp, thật ám ảnh” - bà Nguyễn Thị Cẩm, một tiểu thương chợ Phước Hải chia sẻ.


Các hộ dân sống tại tổ 2 Vĩnh Hiệp đều rất bức xúc vì cơ sở thuộc da ở gần đó. Mọi chất thải, nước thải từ quá trình thuộc da đều bị thải thẳng ra sông. Cứ đến giờ là mùi hôi thối nồng nặc bay lên và dân cư cả một vùng rộng lớn xung quanh phải gánh chịu mà không có cách gì khắc phục. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở chăn nuôi heo ở trong nội thị cũng khiến cư dân muốn “điên đầu” vì mùi hôi thối quá mức chịu đựng.


Tình trạng này không chỉ có ở các vùng đô thị mà trên địa bàn các khu dân cư nông thôn, nơi đất đai có phần rộng rãi hơn cũng có. Thậm chí, có cả cơ sở sản xuất lớn và đương nhiên, mức độ gây ô nhiễm môi trường cũng nhiều hơn các cơ sở sản xuất nhỏ. Nhiều khi đây là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết khi mà bức xúc của người dân không được quan tâm giải quyết dứt điểm.


Chẳng lẽ cứ mãi tiếp diễn?


Pháp luật về kinh doanh không cấm cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Các cá nhân, hộ gia đình này thường tận dụng nhà, đất mình đang ở để làm cơ sở sản xuất kinh doanh. Vì thế, việc các cơ sở kinh doanh nằm xen kẽ trong các khu dân cư là điều tất yếu. Hầu hết những cơ sở kinh doanh này đều không ảnh hưởng gì đến môi trường xung quanh nên mặc nhiên được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm, sự phiền toái của nó gây ra cho những cư dân xung quanh là quá lớn. Khi mức độ chịu đựng của người dân đã đến ngưỡng, tất yếu nảy sinh những xung đột giữa những người hàng xóm láng giềng với nhau.


Việc các cơ sở sản xuất tồn tại trong các khu dân cư là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ở góc độ kinh tế, những cơ sở này cũng có những đóng góp quan trọng khi giải quyết việc làm cho lao động, tạo thu nhập cho người dân. Nhưng mặt khác, những tác động về môi trường mà nó gây ra lại tạo ra sự bất ổn trong cộng đồng. Làm thế nào để dung hòa lợi ích của 2 nhóm đối tượng này là một bài toán không dễ dàng. Do đó, bên cạnh việc hoạch định di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư thì biện pháp hiện nay của cơ quan chức năng chỉ dừng ở mức dung hòa như: yêu cầu các cơ sở cam kết không gây ô nhiễm, buộc khắc phục ô nhiễm, phạt hành chính.


Điều đáng nói là tuy Nhà nước đã có quy hoạch và đầu tư các khu chuyên biệt để chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi các khu dân cư nhưng không thu hút được các cơ sở sản xuất chuyển vào. Ngoài việc một số khu vực quy hoạch chưa thực sự hợp lý, nguyên nhân chính vẫn là cung cách làm ăn chưa chuyên nghiệp của các chủ cơ sở này. Họ vẫn không muốn đi vì e ngại tăng chi phí, mất ổn định trong sản xuất, kinh doanh…


Xét ở góc độ pháp luật, lĩnh vực môi trường là do cơ quan hành chính quản lý nên việc xử lý các vi phạm là do cơ quan này thực hiện. Tuy nhiên, môi trường lại có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh nên có thể điều chỉnh bởi các quy định khác. Chẳng hạn, trong trường hợp cơ sở gây ô nhiễm mà làm thiệt hại cho những người xung quanh thì các hộ dân vẫn có thể khởi kiện ra Tòa theo thủ tục tố tụng dân sự. Ngoài ra, những quy định mới về hình thức xử phạt hành chính khá nghiêm khắc cũng thừa sức răn đe các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, điều cần làm là các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay đối với những cơ sở cố tình chây ì.


Thực tế cho thấy, việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi các khu dân cư là không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng có phương án và  lộ trình phù hợp, việc này sẽ hoàn thành và được đông đảo người dân đồng tình.


Nguyễn Hoàng Tư