06:10, 15/10/2013

Nhiều chương trình, dự án thiếu hiệu quả

Ngoài các nguồn hỗ trợ từ trung ương, hàng năm ngân sách tỉnh Khánh Hòa chi từ 40 - 50 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi nhưng nhiều công trình, dự án không phát huy hiệu quả…

Ngoài các nguồn hỗ trợ từ trung ương, hàng năm ngân sách tỉnh Khánh Hòa chi từ 40 - 50 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi nhưng nhiều công trình, dự án không phát huy hiệu quả…


Nước tự chảy không chảy…


3 giờ chiều, già Cao Là Thiên cùng vợ là Cao Ma Điêng và bà chị gái Cao Tà Liên ngồi bó gối trước cửa căn nhà trống hoác tại thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh. Phía sau nhà, cái vòi nước tự chảy không chảy ra được giọt nào. Van đóng mở nước không còn trên đầu ống, van xả sứt gãy gần hết, đồng hồ thì vẫn chạy đều dù chẳng có nước. “Cái vòi nước đó, có lúc nó chảy, có lúc không chảy. Mấy hồi nó chỉ không chảy vào mùa khô, năm nay mùa mưa nó cũng không chảy. Khi nào cần nước thì đi xách nước suối về xài...” - già Thiên nói.


Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Thiệp - Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết, toàn xã có 3.600 dân. Khi công trình nước tự chảy đi vào hoạt động đã cũng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 45% dân số xã. Công trình này chia làm hai cụm, nhưng chỉ cụm Ngã Hai là nước còn chảy về chút ít chứ cụm Sơn Thành thì chỉ sau vài tháng sử dụng, chẳng thấy nước chảy về nữa dù đập, bể trữ nước chỉ cách cụm dân cư này hơn cây số.

 

1
Vòi nước tự chảy này ở thôn Ngã Hai lâu rồi không chảy ra giọt nước nào.


Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2001 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách và các dự án của các tổ chức nước ngoài, đến nay, toàn huyện Khánh Vĩnh có tổng cộng 18 hệ thống cấp nước sinh hoạt, trong đó có 17 hệ thống cấp nước tự chảy. Suất đầu tư của mỗi hệ thống từ 300 triệu đến cả tỷ đồng, nhưng hiện có tới 13/17 hệ thống cấp nước tự chảy hư hỏng, hoạt động kém hoặc chẳng tự chảy nổi.


Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng nước sinh hoạt, hàng năm ngân sách tỉnh chi thường xuyên 10 tỷ đồng cho các huyện. Nhưng nay, hàng chục công trình nước tự chảy tại các huyện, xã miền núi trong tỉnh đều không phát huy hiệu quả do khảo sát thiết kế, thi công chưa đạt yêu cầu dẫn đến xuống cấp nhanh, thiếu nước nguồn, quản lý yếu kém...


Máy móc hư hỏng, nhà vệ sinh thành... kho


Tại thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh), các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cấp phát cho dân từ vốn tài trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hầu như đã hư hỏng, rỉ sét. Tại nhà trưởng thôn Hòn Lay, chiếc máy tuốt lúa được tài trợ bởi dự án này đang bị xếp vào xó nhà vì đã hỏng mà không có tiền sửa, giao cho người khác dùng thì chẳng ai dám nhận, bán thì không có quyền. Các loại máy cày, máy bừa, bơm nước... giao cho các tổ tự quản sử dụng chung nay cũng phải xếp xó. Tại các xã khác trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, nhà vệ sinh tự hoại “mẫu” sau khi đưa vào sử dụng cũng bị bà con biến thành chuồng gà, nhà kho... Những hộ khác thì dùng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong chương trình xây nhà vệ sinh để... tiêu dùng. Nghĩa trang được tài trợ xây dựng cả tỷ đồng ở xã Yang Ly phải bỏ dở vì bị dân phản đối...

 

Ông Nguyễn Như Thuận - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, nguyên nhân chính của việc đầu tư cho miền núi kém hiệu quả là do chưa có một kế hoạch tổng thể và chi tiết trong quá trình đầu tư; chưa dựa trên cơ sở nghiên cứu thực trạng để có giải pháp phù hợp; xem nhẹ vai trò của người dân trong việc tham gia dự án... “Cần phải tổ chức lại việc quản lý các công trình đã đầu tư. Đối với nước sinh hoạt, sẽ phải thu tiền nước để người dân có ý thức, không ỷ lại. Đối với các nguồn vốn tài trợ, cần có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện theo một lộ trình cụ thể và khoa học hơn. Riêng nguồn vốn hỗ trợ của các đơn vị “đỡ đầu” hàng tỷ đồng/năm, xưa nay chỉ dùng để mua quà cho đồng bào, nay chúng tôi đề nghị chỉ chú trọng đầu tư cho giáo dục” - ông Thuận nói.


Mai Khuê