11:10, 30/10/2013

Dân số Việt Nam đạt 90 triệu người

Dự kiến, ngày 1-11-2013, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 90 triệu. Đây là dấu mốc quan trọng, chứng tỏ Việt Nam đã thực hiện thành công chỉ tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô và chất lượng dân số.

Dự kiến, ngày 1-11-2013, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 90 triệu. Đây là dấu mốc quan trọng, chứng tỏ Việt Nam đã thực hiện thành công chỉ tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô và chất lượng dân số.


Khánh Hòa sớm đạt được mục tiêu kiểm soát quy mô dân số

 

Sắp tới, nước ta sẽ xây dựng Luật Dân số, trên cơ sở 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ và hơn 50 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ.

Với 90 triệu dân, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới; dự kiến đến năm 2015, dân số nước ta khoảng 91,5 triệu người. Như vậy, nước ta đã hoàn thành Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015. Việt Nam đã xuất sắc đạt mục tiêu đề ra với việc giảm được gần 1,5 triệu người sinh thêm. Những năm qua, tốc độ gia tăng dân số ngày càng giảm và đã đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03 con, ít hơn 3 lần số con cách đây 50 năm.


Tại Khánh Hòa, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, ước tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đạt 1.207.746 dân, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,9 con, tăng dân số tự nhiên chỉ 1%. Như vậy, tỉnh đã đạt được mục tiêu kiểm soát quy mô dân số sớm hơn bình quân chung cả nước và sớm hơn dự kiến. Năm 2012, tăng dân số tự nhiên 1%, dân số đạt 1.183.000 người. Trong khi đó, mục tiêu đề ra đến 2010: tăng dân số tự nhiên 1,15%, quy mô 1.193.000 người.


90 triệu dân sẽ mang lại cho Việt Nam thị trường lớn, lao động dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bà Huỳnh Thị Hiên, Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, nước ta đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, nghĩa là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Năm 2012, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm 68,9%, trong khi số trẻ em từ 0 đến 14 tuổi giảm mạnh xuống còn 24,1%, số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7%. “Cơ cấu dân số vàng giúp ổn định nguồn lực, chăm sóc được người cao tuổi (NCT) và trẻ em. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho phát triển nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - bà Hiên khẳng định.


Còn nhiều thách thức


Dân số đông làm cho đất đai trở thành tài nguyên quý, tạo sức ép cho phát triển, gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nhưng chất lượng dân số nước ta chỉ ở mức trung bình, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao.


Mặt khác, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay chính là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2012, tỷ lệ này là 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu xu hướng này không thay đổi, đến năm 2035, Việt Nam sẽ dư thừa 10% nam giới trưởng thành so với nữ giới. Trong đó, một số địa phương đã đến mức báo động. Ở Khánh Hòa, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện rõ nét: năm 2002 có 108,4 trẻ trai/100 trẻ gái, đến năm 2012 đã tăng lên 109,2 trẻ trai/100 trẻ gái (tăng 0,8 điểm % sau 10 năm). Bà Huỳnh Thị Hiên lý giải, thời gian qua, do tập trung chủ yếu vào mục tiêu giảm sinh nên chúng ta chưa có điều kiện quan tâm đến cơ cấu giới tính. Việc điều chỉnh để đảm bảo cơ cấu giới tính rất quan trọng nhưng thực tế đã gặp khó trong việc triển khai. Bởi, việc siêu âm theo dõi thai kỳ rất cần thiết đối với sự phát triển của thai nhi nhưng việc trao đổi thông tin về giới tính thai nhi rất khó giám sát.


Hiện nay, số NCT từ 60 tuổi trở lên tại nước ta đã gần 9 triệu người, xấp xỉ 10% dân số, trong đó tỷ lệ người NCT ở Khánh Hòa tương đương với con số này. Như vậy, Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 NCT, năm 2049 cứ 4 người dân có 1 NCT. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20 năm, thuộc nhóm có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, số NCT Việt Nam sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới, buộc Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi những tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; trong đó, nổi lên là công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội cho NCT...


Để giải quyết các khó khăn, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số 2003 - 2013, thời gian tới, Bộ Y tế khi xây dựng dự án Luật Dân số cũng như chính sách dân số phải có tầm nhìn xa, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được đúc rút sau hơn 50 năm thực hiện chương trình dân số của Việt Nam và sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chính sách dân số hướng tới gia đình có hai con; duy trì và kéo dài giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” đến năm 2061; có chính sách hỗ trợ gia đình có con tuổi mẫu giáo; tăng cường xây dựng khu vui chơi, giải trí cho nhân dân, trong đó chú trọng trẻ em và NCT. Việc duy trì lực lượng lao động ở một quy mô phù hợp là điều rất cần thiết, là lợi thế của quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong khi xây dựng chính sách dân số, cần lưu ý và dự báo xu hướng phát triển đất nước về kinh tế - xã hội, về những tiến bộ của khoa học - công nghệ, về môi trường cũng như văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của người dân liên quan tới việc sinh con... Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa nội dung gia đình có hai con, hạnh phúc vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


LƯU KHÁNH