Đây là đánh giá của ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 ở một số đơn vị, địa phương.
Đây là đánh giá của ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 ở một số đơn vị, địa phương. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Xuân Thân xung quanh vấn đề này.
- Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học (ĐH), riêng khối đảng, đoàn thể còn có chỉ tiêu 100% cán bộ có trình độ trung cấp chính trị. Liệu mục tiêu đặt ra có quá cao không, thưa ông?
- Mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ chuyên môn có trình độ ĐH trở lên đạt 90% ở khối đảng, đoàn thể, 95% ở khối quản lý hành chính và ít nhất 80 viên chức khối sự nghiệp đạt trình độ ĐH. Đối với các mục tiêu cụ thể, qua kiểm tra, chúng tôi sẽ báo cáo HĐND tỉnh và Tỉnh ủy để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi. Chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ĐH phải thực hiện nhưng cần xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, với viên chức ngành Giáo dục, nếu là giáo viên tiểu học không nhất thiết phải có trình độ ĐH. Hay đối với viên chức ngành Y tế, các y tá, điều dưỡng cũng không đòi hỏi phải là cử nhân. Khi thống kê, cần tách ra cụ thể chứ không nên gộp cả vào khái niệm chung cán bộ, công chức, viên chức phải đạt trình độ ĐH. Điều đó không thực hiện được và cũng không cần thiết. Mục tiêu của chúng ta là tạo được nguồn nhân lực có trình độ, đảm bảo được yêu cầu công việc đặt ra chứ không phải phổ cập ĐH.
Từ kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khi tuyển dụng, tiếp nhận người phải chuẩn đầu vào trình độ ĐH, không nhận trung cấp, cao đẳng về công tác rồi sau đó cho đi học. Riêng khối đảng, đoàn thể, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% cán bộ chuyên môn có trình độ trung cấp chính trị trở lên. Chúng tôi thấy phải có kế hoạch đào tạo trung cấp và cao cấp chính trị để đạt mục tiêu đề ra.
Về khối sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê số lượng đào tạo nghề ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Để đạt các mục tiêu đề ra, Nghị quyết HĐND tỉnh đặt ra 5 nhóm giải pháp. Theo ông, cần ưu tiên thực hiện giải pháp nào?
- 5 nhóm giải pháp được nêu ra gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực; đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; đào tạo và bồi dưỡng nhân lực; huy động vốn cho phát triển nhân lực; điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển nhân lực. Cả 5 nhóm giải pháp này đều phải thực hiện đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quan trọng nhất. Có đào tạo được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu chung mới thực hiện được nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cần quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa ngoài nguồn ngân sách Nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tuy chưa thống kê chính xác vốn huy động xã hội hóa cho đào tạo được bao nhiêu, nhưng nguồn vốn này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề. Hiện nay, các cơ sở dạy nghề (kể cả tư nhân, các đơn vị, doanh nghiệp nói chung) đang đóng góp rất lớn vào công tác đào tạo nguồn nhân lực.
- Trong quá trình kiểm tra, vì sao ông quan tâm đến công tác thống kê, thông tin về nguồn nhân lực?
- Có thống kê chính xác mới phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trong nước và nước ngoài cũng như tuyển dụng, quy hoạch, quản lý cán bộ. Thông tin về nguồn nhân lực phải được cập nhật. Vì thế, UBND tỉnh có chủ trương thành lập cổng thông tin điện tử về hệ thống thông tin quản lý nguồn nhân lực tỉnh, nhằm cập nhật kịp thời biến động nguồn nhân lực ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Qua kiểm tra, ông có kiến nghị gì về chính sách đối với cán bộ, công chức xã và cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số?
- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chính trị tốt và nghiệp vụ tốt thì hiệu quả công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể, quản lý nhà nước ở cơ sở mới tốt được. Sau khi khảo sát, thống kê toàn bộ lực lượng công chức cấp xã, chúng tôi sẽ trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để có thể bổ sung vào Nghị quyết chỉ tiêu đào tạo công chức cấp xã. Chúng ta cũng cần có kế hoạch, chính sách riêng đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi của các huyện đồng bằng; phải có sự quan tâm, bố trí hợp lý để đảm bảo chất lượng công tác Đảng, Mặt trận, đoàn thể, quản lý nhà nước ở các địa phương.
- Xin cảm ơn ông!
KHÁNH NINH (Thực hiện)