Bảo hiểm xã hội tự nguyện được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai từ năm 2008 để nông dân, lao động tự do có thể được hưởng phúc lợi xã hội như các đối tượng khác.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được BHXH Việt Nam triển khai từ năm 2008 để nông dân, lao động tự do có thể được hưởng phúc lợi xã hội như các đối tượng khác. Thế nhưng, kể từ khi triển khai đến nay, tại Khánh Hòa có chưa đến 1.000 người tham gia, quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân. Vì sao chính sách này không thu hút được người dân?
Kẻ chê, người không đủ tiền
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ, Nha Trang cho biết, toàn phường hiện có hơn 120 tàu cá với hơn 1.000 lao động. Các chủ tàu cũng như ngư dân đều có bảo hiểm nhân mạng, nhiều người mua bảo hiểm y tế. Thế nhưng vẫn chưa có ai tham gia mua BHXH tự nguyện, mặc dù họ biết đóng BHXH sẽ được nhận trợ cấp khi về già. “Nhiều chủ tàu có tài sản hàng tỷ, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng họ không tham gia chứ đừng nói gì đến bạn thuyền. Cả ngàn người, không có ai tham gia” - ông Tính cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, khóm Cù Lao Trung 1, phường Vĩnh Thọ chia sẻ: “Không riêng bản thân tôi, những người lớn tuổi đều lo lắng cho cuộc sống khi về già. Vì thế, khi được tuyên truyền, chúng tôi tìm hiểu rất kỹ loại hình BHXH tự nguyện. Hiện nay, mỗi tháng bỏ ra mấy trăm ngàn để đóng BHXH không phải là điều quá khó, nhưng để có được chế độ trợ cấp thì phải đóng liên tục đến 20 năm, không biết mình có sống đến lúc được hưởng không. Vì thế, ngoài việc nuôi dạy các con nên người, có việc làm ổn định để nhờ cậy khi về già, đồng tiền tích lũy được tôi gửi ngân hàng, lấy lãi hàng tháng để chi tiêu”.
Lao động tự do làm nghề biển rất vất vả nhưng vẫn chưa tiếp cận được bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Ông Nguyễn Văn Tính cho biết thêm, do tâm lý “trẻ cậy cha, già cậy con” nên nhiều người có tiền dư để trong nhà nhưng cũng e ngại không tham gia. Mặt khác, nhiều người lao động tự do vì thu nhập thấp, làm ngày nào lo ngày nấy nên có nhu cầu cũng không thể có tiền để đóng BHXH tự nguyện. Anh Nguyễn Ngọc Đức, ở đường Võ Thị Sáu, TP. Nha Trang cho biết, 2 vợ chồng buôn bán thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Bởi thế, không có tiền đóng BHXH tự nguyện trong 20 năm. “Lo ăn hàng ngày, lo con học đã khó tiền đâu mà đóng BHXH đến 20 năm. Bây giờ tôi 42 tuổi, đến 62 tuổi mới được hưởng. Thôi kệ, cố gắng kiếm tiền mua bảo hiểm y tế để phòng khi đau bệnh”, anh Đức chia sẻ.
Ông Lê Hùng Chính, Phó Giám đốc BHXH Khánh Hòa cho biết: “Năm 2009, toàn tỉnh có 142 người tham gia, năm 2010 có 283 người, năm 2011 có 421 người, năm 2012 có 965 người và đến nay có 978 người. Trong số này, có hơn một nửa số người ở TP. Nha Trang, chủ yếu là người lao động ở các lĩnh vực đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm để hưởng trợ cấp BHXH; lao động đang làm việc nhưng nghỉ việc đóng BHXH tự nguyện trong thời gian chờ xin việc mới. Với số liệu này, so với hàng trăm ngàn người có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Luật, mục tiêu an sinh xã hội còn quá ít ỏi”.
Vẫn chờ giải pháp tháo gỡ
Theo quy định, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện do người tham gia lựa chọn, nhưng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung. Tuy nhiên, đa số các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thường có thu nhập thấp, không ổn định, trong khi phải đóng toàn bộ mức phí, không có sự hỗ trợ một phần như người tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia vẫn phải đóng định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng, thiếu sự co dãn về thời hạn đóng cho phù hợp với dòng tiền thu nhập của họ. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân khó tiếp cận được với BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, những năm vừa qua tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện liên tục tăng, trước năm 2012, chỉ có 18%, năm 2012 lên 20% và từ năm 2014 trở đi sẽ lên đến 22%, đây là quy định quá sức đối với nhiều người dân. Vậy nhưng, quyền lợi của BHXH tự nguyện lại quá ít so với BHXH bắt buộc. “BHXH tự nguyện quyền lợi chỉ có chế độ trợ cấp hàng tháng và tử tuất. Còn các chế độ khác của BHXH bắt buộc như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại không có. Đây là điều khiến người dân không mặn mà” - ông Lê Hùng Chính cho biết.
Theo BHXH tỉnh, để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện thì các bộ, ngành liên quan cần bổ sung và sửa đổi chế độ BHXH theo hướng tăng thêm quyền lợi được hưởng. Đề nghị có sự hỗ trợ một phần mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, thêm quy định về việc có thể đóng một lần cho một thời gian dài để tạo điều kiện thuận tiện cho người có điều kiện kinh tế, hoặc là để con cháu có thể đóng giúp một lần cho cha mẹ họ. Mặt khác, phát huy vai trò của các đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn BHXH tự nguyện để người dân nắm được đầy đủ những chính sách và quyền lợi khi tham gia. Về phía BHXH, tổ chức hệ thống đại lý thu để tạo điều kiện thuận lợi triển khai chế độ BHXH tự nguyện đến từng người dân. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tinh thần phục vụ trong việc tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện ra đời nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng như lao động tự do nhằm khắc phục khoảng trống của BHXH bắt buộc. Vì vậy, việc sửa đổi các quy định để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện đang trở nên cấp thiết.
BÌNH ĐỨC