12:09, 06/09/2013

Tăng cường quản lý tài nguyên nước

Quy hoạch, khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là công việc rất quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, công tác này hiện mới chỉ triển khai bước đầu nên còn nhiều việc phải làm.

Quy hoạch, khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là công việc rất quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, công tác này hiện mới chỉ triển khai bước đầu nên còn nhiều việc phải làm.


Chưa phát hiện ô nhiễm


Qua điều tra hiện trạng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh cho thấy, 10 năm trở lại đây, một số đặc trưng về dòng chảy có thay đổi, lượng mưa trung bình tăng từ 100 - 250mm/năm dẫn đến tổng lượng dòng chảy tăng từ 4,58 tỷ m3 lên 5,08 tỷ m3. Trước năm 2000, Khánh Hòa có 4 tháng mùa lũ (từ tháng 9 đến 12), nay còn 3 tháng (tháng 10 đến 12), đồng nghĩa mùa kiệt dài hơn 1 tháng so với trước (tháng 1 đến 9). Các chuyên gia nhận định, toàn bộ nguồn nước trong tỉnh cả mùa mưa lẫn mùa khô đều có dấu hiệu hoặc có nguy cơ ô nhiễm sắt cao. Các tiểu lưu vực Bắc Vạn Ninh, Nam Vạn Ninh, Đá Bàn, Bắc sông Cái Nha Trang, Nam sông Cái Nha Trang, Bắc Cam Ranh có dấu hiệu và nguy cơ ô nhiễm NO3 về mùa khô; các tiểu lưu vực Nam Vạn Ninh, thượng sông Cái Ninh Hòa và Nam sông Cái Nha Trang bị ô nhiễm COD (nhu cầu ô xy sinh hóa) và TSS (chất rắn lơ lửng).


Tổng lượng nước sử dụng toàn tỉnh xấp xỉ 780 triệu m3, trong đó nước đáp ứng nhu cầu nông nghiệp hơn 53%, công nghiệp gần 12%, thủy sản gần 11%, sinh hoạt 6,2%, đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại 2,4%... Tổng lượng nước thiếu toàn tỉnh trong mùa kiệt khoảng 6,25 triệu m3, tập trung tại 2 tiểu lưu vực Nam Vạn Ninh và Nam Ninh Hòa, chủ yếu vào tháng 3. Dự báo nhu cầu nước thiếu toàn tỉnh khoảng 26,1 triệu m3, tập trung các tháng 6, 7, 8 tại các tiểu lưu vực: Nam Vạn Ninh, Nam Ninh Hòa, Bắc Vạn Ninh, Bắc và Nam sông Cái Nha Trang, Bắc và Nam Cam Ranh. Tính toán nhu cầu sử dụng nước theo kịch bản biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 - 2050 và sau 2050 cho thấy, thiếu hụt nước gay gắt vào mùa kiệt, tổng lượng thiếu hụt khoảng 70 - 100 triệu m3.

 

Khoan thăm dò trữ lượng nước tại Khánh Hòa.
Khoan thăm dò trữ lượng nước tại Khánh Hòa.


Về nước dưới đất, tổng trữ lượng tĩnh đạt hơn 3,7 tỷ m3; tổng trữ lượng động thiên nhiên hơn 612.000m3/ngày; tổng trữ lượng khai thác tiềm năng hơn 724.000m3. Về chất lượng, hiện chưa có vấn đề nghiêm trọng, phần lớn diện tích tại vùng nghiên cứu, môi trường nước dưới đất vẫn giữ được hiện trạng tự nhiên, chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động dân sinh, kinh tế. Đối với mục đích sử dụng sinh hoạt, ăn uống cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, một số nơi, nước dưới đất xuất hiện những dị thường về hàm lượng các chất độc hại như: Cianur, nitrat, sunphat, mangan, fluor, sắt và vi sinh vật... Ngoài ra còn có đặc điểm của nước cứng, hàm lượng clo cao…


Ông Hoàng Trọng Vinh - Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện trạng nước mặt trên địa bàn tỉnh các thông số ô nhiễm nằm trong phạm vi cho phép, có nơi nước có màu sắc từ xanh đến vàng, nhưng chưa có màu đỏ (dấu hiệu nước bị ô nhiễm nặng). Đối với nước dưới đất chỉ có những khu vực gần bãi rác bị ô nhiễm vi sinh nặng, còn các khu vực khác các chỉ tiêu nằm trong phạm vi cho phép. Các trường hợp ô nhiễm vi sinh chỉ mang tính cục bộ.


Tăng cường quản lý


Các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp chống ô nhiễm, nguy cơ ô nhiễm, chống cạn kiệt và nguy cơ cạn kiệt nước mặt như: Xử lý khử sắt, TSS, NO3, COD trước khi sử dụng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát môi trường chất thải các khu dân cư, công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng quy hoạch lưu vực sông, tăng cường giám sát, kiểm soát nước xả thải. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; xây dựng hồ chứa đa mục tiêu; xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; trồng rừng đầu nguồn, tăng nguồn sinh thủy; tiết kiệm nguồn nước… Đối với nước dưới đất, đề xuất loại hình khai thác, sử dụng nguồn bổ cập cho tầng chứa nước kết hợp khai thác, sử dụng một phần trữ lượng tĩnh. Cách quản lý này cho phép bù đắp một cách tự nhiên, gia tăng lượng nước thẩm thấu trong mùa mưa và hồi phục mực nước tĩnh như năm trước. Bên cạnh đó, quy định cho phép lưu lượng khai thác không quá 600 triệu m3/năm, trong đó lượng dùng ăn uống, sinh hoạt không quá 100 triệu m3/năm; tiến hành kiểm kê tài nguyên nước dưới đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý…

 

1
 


Theo ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, tỉnh đã quan tâm điều tra, khảo sát, thăm dò, lập cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước. Đây là cơ sở bước đầu để quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Bộ máy quản lý tài nguyên nước từ huyện đến xã còn kiêm nhiệm, thiếu, yếu về chuyên môn; nhận thức của doanh nghiệp, người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn hạn chế, lãng phí, vẫn xảy ra tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường; công tác quy hoạch tài nguyên nước còn bất cập; công tác quản lý của các bộ, ngành còn chồng chéo… Vì vậy, để thực hiện tốt việc quản lý tài nguyên nước, cần quán triệt hơn nữa đến các cấp, ngành, địa phương Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng; tổ chức cấp phép đúng công suất, tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao năng lực phòng, chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, tăng cường năng lực, hoàn thiện bộ máy quản lý tài nguyên nước các cấp; hoàn thiện việc đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…


PHÚ LÂM