11:09, 06/09/2013

Phát triển giao thông nông thôn: Còn nhiều hạn chế

Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về thực hiện quy hoạch và phát triển giao thông nông thôn  được đặt lên hàng đầu.

Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí về thực hiện quy hoạch và phát triển giao thông nông thôn (GTNT) được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường để đạt mục tiêu đề ra nhưng thực tế chất lượng đường GTNT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế.


Đầu tư 413 tỷ đồng giao thông nông thôn


Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.280km đường bộ, tăng 2,18% so với năm 2010; trong đó mặt đường bê tông xi măng 851,76km, tăng 14,40%, đường nhựa 622,65km tăng 6,15%, đường đá dăm láng nhựa 828,20km tăng 1,96%... So với năm 2010, hệ thống cầu, đường GTNT - miền núi trên địa bàn tỉnh có sự phát triển về số lượng và chất lượng, tổng quan chiều dài đường bộ, đường tỉnh, chiều dài mặt đường bê tông, nhựa hóa và cứng hóa tăng lên, còn chiều dài mặt đường đất giảm xuống.


Kết quả này có được là nhờ các cấp, ngành, chính quyền địa phương đã huy động được nhiều nguồn vốn để triển khai thực hiện, nhất là nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Mặt khác, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, tháo dở lều quán, hàng rào, chặt cây ăn trái... để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Ở một số xã miền núi, các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các địa phương đã huy động đóng góp về ngày công lao động và hiến đất, cây trồng trên đất để làm đường... Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 625 danh mục công trình GTNT được đầu tư với tổng kinh phí hơn 413,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách của tỉnh hơn 270,4 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 67,6 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 56,6 tỷ đồng, còn lại do dân đóng góp và các nguồn vốn khác.


Tỷ lệ đường đất còn cao


Tuy giao thông đã được cải thiện nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương; chất lượng mặt đường còn thấp, tỷ lệ mặt đường chưa được cứng hóa và đường chưa vào cấp kỹ thuật còn cao, mặt đường xe chạy còn hẹp, chưa đồng bộ trong thiết kế cầu, cống và đường. Các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn tỷ lệ đường đất cao như: Ninh Hòa 71,22%; Vạn Ninh 59,90%; TP. Cam Ranh 37,63%; TP. Nha Trang 18,07%... Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có tiêu chí 2.1 gần đạt (các tuyến đường từ trung tâm huyện, thị xã, thành phố về trung tâm xã đã được nhựa hóa và bê tông hóa 100%), 3 tiêu chí còn lại đạt rất thấp gồm: Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại phải thuận tiện.

 

1
Vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kịp thời. (Ảnh chụp trên tuyến Tỉnh lộ 1A)


Ngoài ra, mạng lưới GTNT ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nội đồng và sản xuất cây công nghiệp chưa liên hoàn, đồng bộ, nhiều tuyến đường nối thông các vùng trong huyện vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Cụ thể như, Hương lộ 45 của TP. Nha Trang có chiều dài 0,6km qua nhiều địa bàn, có điểm đầu từ xã Vĩnh Ngọc đi qua các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung đến điểm cuối xã Vĩnh Phương (tuyến tránh đường 23-10) qua nhiều năm sử dụng đường đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng nhưng vẫn chưa được đầu tư mở rộng. Hay một số tuyến đường của huyện Vạn Ninh như: Đường Nguyễn Huệ đoạn từ xã Vạn Phước đến thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ; đường từ xã Vạn Hưng đến Đá Bàn thị xã Ninh Hòa; đường cứu nạn thôn Tân Phú, Vạn Phú... Không chỉ vậy, đối với hệ thống đường GTNT đã được đầu tư, xây dựng, UBND tỉnh phân cấp quản lý cho các huyện, thị xã, thành phố nhưng hàng năm các đơn vị không phân bổ được kinh phí cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên nên không kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ của cầu đường dẫn đến hư hỏng lớn làm tăng kinh phí sửa chữa, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.


Nhiều việc cần làm


Trước những hạn chế đó, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho rằng, để đạt được tiêu chí về GTNT, HĐND tỉnh cần quan tâm kiện toàn công tác quản lý phù hợp với quy mô và nhu cầu khai thác sử dụng mạng lưới đường GTNT - miền núi; các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng năm phối hợp với Sở GTVT tổ chức kiểm tra chất lượng đường; UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hơn nữa phong trào huy động sức dân đóng góp ngày công để thực hiện các công tác đơn thuần như phát quang, dãy cỏ hai bên lề đường, khơi thông rãnh thoát. Ngoài ra, hàng năm phân bổ kế hoạch vốn bảo dưỡng thường xuyên theo phân cấp quản lý; điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp, ưu tiên cho 20 xã tập trung đầu tư để đến năm 2015 có 8 - 10 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, số xã còn lại đạt 15 - 18 tiêu chí.


Theo đồng chí Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, để công tác quản lý GTNT ngày càng sát với thực tế, Sở GTVT cần rà soát lại quy hoạch giao thông, đồng thời có định hướng về kỹ thuật xây dựng hạ tầng giao thông cho cấp cơ sở.  Ngoài ra, việc phân cấp công tác quản lý duy tu, bảo trì đường cần được thiết lập và phải có đơn vị đầu mối trong quản lý bảo trì đường GTNT. Sở GTVT tham gia cùng Văn phòng Điều phối chương trình XDNTM trong việc huy động nguồn lực cộng đồng và phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, cần đầu tư vào nơi nào huy động được nguồn lực tốt nhất; đồng thời làm rõ lộ trình cho 20 xã đầu tư trọng điểm, tạo cơ chế phân bổ phù hợp...


K.H