Mặt hàng xăng dầu tăng giá liên tiếp trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn, doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách cũng giảm mạnh.
Mặt hàng xăng dầu tăng giá liên tiếp trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải (DNVT) gặp nhiều khó khăn, doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách cũng giảm mạnh.
Hiện nay, giá xăng A95 tại Khánh Hòa đang ở mức 25.570 đồng/lít; xăng A92 là 25.060 đồng/lít; dầu diesel 0,05S 22.750 đồng/lít, dầu hỏa 22.020 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong những tháng gần đây đã khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, chủ trương của các DN là cố gắng cầm cự, chưa tăng giá cước trong thời điểm này. Lý do mà các DNVT đưa ra là việc xăng dầu tăng giá thời gian qua đã kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo, người tiêu dùng đã phải “thắt lưng buộc bụng” nên doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách cũng giảm mạnh. Tăng giá cước vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút hành khách đi xe.
Ông Dương Xuân Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết, việc xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Sau lần tăng giá xăng dầu ngày 17-7, Công ty đang xem xét biến động giá xăng dầu thời gian tới rồi mới quyết định có tăng giá cước hay không. Bởi đối với DN kinh doanh vận tải taxi, mỗi lần muốn điều chỉnh giá cước, DN phải tốn kém nhiều chi phí phát sinh như: Lập trình lại đồng hồ điện tử trên taxi, kiểm định đồng hồ để kẹp chì, in dán lại đề can bảng giá… tổng cộng hết khoảng 200.000 đồng/xe. Theo ông Minh, DN rất khó “đu” theo giá xăng dầu, bởi thời gian gần đây, DN chưa tăng giá cước mà lượng khách đi xe đã giảm đáng kể. Vào thời điểm này những năm trước, mỗi xe doanh thu từ 2.000.000 - 2.500.000 đồng/xe/ngày, nhưng mấy tháng hè vừa qua, doanh thu chỉ đạt 1.600.000 - 1.700.000 đồng/xe/ngày. “Chính phủ cần có giải pháp ổn định giá xăng dầu hoặc có lộ trình tăng giá xăng dầu từ 2 - 3 tháng một lần để chia sẻ khó khăn với DN. Việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tục như hiện nay khiến các DN nói chung và DNVT nói riêng rất khó bám trụ” - ông Minh chia sẻ. Còn ông Hồ Minh Châu - Giám đốc Công ty Cổ phần Á Châu (taxi Asia) cho biết: “Sau khi xăng dầu tăng giá liên tiếp, Công ty rất muốn điều chỉnh giá cước nhưng không thể mạo hiểm. Bởi nếu điều chỉnh giá cước lúc này chắc chắn sẽ không có khách đi xe. Bây giờ, chúng tôi không dám nghĩ đến lợi nhuận mà phải cố gắng để tồn tại. Thiết nghĩ, Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu cho các DN kinh doanh xăng dầu nếu bị lỗ, không nên tăng giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác đều tăng, cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai người tiêu dùng”.
Giá xăng tăng nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn không tăng giá vé. (Ảnh chụp tại Bến xe phía Nam TP. Nha Trang). |
Không chỉ các DNVT taxi mà các DN vận chuyển hàng hóa lớn cũng chưa có ý định điều chỉnh giá cước vận chuyển, bởi ngoài bình ổn giá thành để cạnh tranh, các DN còn phải thực hiện xong các hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó. Vì vậy, vào thời điểm này, các DN chưa có ý định tăng giá cước. Tương tự, các DNVT khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh cũng chưa có ý định tăng giá cước. Ông Trần Chí Tài - Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cúc Tùng cho biết, DN hiện có 40 xe chạy các tuyến Nha Trang - Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh. Trước đây, mỗi ngày có trên 70% xe xuất bến, trung bình mỗi xe khoảng 32 hành khách. Nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 40% lượng xe xuất bến, trung bình khoảng 20 hành khách/xe. Với giá vé tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh từ 200.000 - 210.000 đồng/vé, DN không có lãi. Bởi hiện nay, trung bình chi phí một xe chạy tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh hết khoảng 6 triệu đồng nhưng doanh thu chỉ được trên 4 triệu đồng. 3 lần tăng giá xăng dầu trước, DN không tăng giá cước vận tải nhưng tiết giảm chi phí quản lý nên vẫn còn lãi khoảng 1 triệu đồng/xe. Nhưng với lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất, doanh thu của DN bị ảnh hưởng đáng kể, trong khi không thể tăng giá vé. Vì vậy, DN buộc phải giảm tần suất xe xuất bến để hạn chế chi phí. Nếu tình trạng này kéo dài, DNVT dù có cầm cự được thì cũng không thể đạt tiêu chí chất lượng phục vụ tốt như Bộ Giao thông vận tải yêu cầu”.
Có thể nói, tuy trước mắt các DNVT chưa có kế hoạch tăng giá cước nhưng với việc giá xăng tăng liên tục thời gian qua, việc tăng giá của các DNVT chỉ là chuyện sớm muộn. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay, các DN cần có giải pháp tiết giảm chi phí, ổn định hoạt động. Việc tăng giá cước là điều bất khả kháng, bởi vào thời điểm này, hành khách đi lại không nhiều nên việc tăng giá cần phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ các DNVT, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Mặt khác, cần có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhằm ổn định giá xăng dầu hoặc có các giải pháp hỗ trợ các DN duy trì hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với DN và người tiêu dùng.
C.V