Cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam thường gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với những nạn nhân, sự kiên cường, lạc quan của họ khiến chúng tôi không khỏi cảm phục. Với họ, dường như ở đời không có đường cùng, chỉ có ranh giới và những con người dũng cảm vượt qua.
Cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam thường gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với những nạn nhân, sự kiên cường, lạc quan của họ khiến chúng tôi không khỏi cảm phục. Với họ, dường như ở đời không có đường cùng, chỉ có ranh giới và những con người dũng cảm vượt qua.
Không đầu hàng số phận
Ông Hoàng Hữu Đáng bên con trai. |
Bước ra khỏi chiến tranh, ông Nguyễn Xuân Đông (63 tuổi, thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) không khỏi tự hào bởi đã có một thời cống hiến sức trẻ cho cuộc trường chinh của dân tộc. Sau ngày đất nước giải phóng, ông kết duyên cùng bà Trần Thị Công Hoan và lần lượt 3 người con ra đời. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi các con ông dù ít, dù nhiều đều mang trong mình di chứng của chất độc dioxin. Đứa tật nguyền, động kinh, đứa trí nhớ kém, học trước quên sau... Nhìn con, nhiều lúc ông bà không còn thiết sống. Nhưng, mình chết thì ai lo cho con? Nghĩ vậy, ông bà lấy lại tinh thần, chấp nhận đương đầu với hiện tại để vươn lên, chiến thắng số phận.
Ông Nguyễn Xuân Đông chăm sóc người con tật nguyền bởi di chứng chất độc da cam. |
Ông Đông tâm sự: “Những năm tháng chiến đấu ở khu căn cứ cách mạng Hòn Dù, vào mỗi sáng sớm hay chiều tối, từng tốp máy bay vận tải của Mỹ lại phành phạch bay ngay trên đầu. Từ sau cánh máy bay phun ra những dải sương mù màu trắng đục bay là là trên những ngọn cây, rẫy bắp. Chúng tôi chiến đấu và sinh hoạt trong những làn sương mù ấy mà không biết đó là thứ chất độc quái ác nhiễm vào cơ thể con người. Nay các con tôi sinh ra đều bị phơi nhiễm dioxin, khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nỗi đau thể xác và tinh thần cứ bám lấy gia đình tôi theo thời gian. Nhưng tôi nghĩ, mình không thể ngồi đó gặm nhấm nỗi đau mãi được”. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của bạn bè, vợ chồng ông đã quyết tâm vượt khó từ 2 bàn tay trắng. Bằng sự cần cù, chịu khó, biết đón bắt thời cơ, gia đình ông đã phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ. Cuộc sống đã không phụ lòng người, từ chỗ nghèo khó, nay gia đình ông đã thành lập được doanh nghiệp, nhà cửa khang trang, con cái được chăm lo đầy đủ. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Đông đã trải qua biết bao thăng trầm. Từ làm công nhân chế biến thủy sản, đến làm thuê, bảo vệ... Tích cóp vốn liếng, năm 2005 ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Xuân Đông chuyên bốc xếp hàng hóa và san lấp mặt bằng. Doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt 4 đến 5 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp có chi nhánh tại TP. Cam Ranh.
Mô hình chăn nuôi gà giúp gia đình ông Đáng ổn định cuộc sống |
Cùng cảnh ngộ với ông Đông, ông Hoàng Hữu Đáng (67 tuổi, thị trấn Diên Khánh) cũng có 3 người con bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông liên tục bị “xé toang” bởi những tiếng cười ngây dại của người con trai duy nhất. Có lẽ vì đau buồn quá mà bà Đàm Thị Lan (vợ ông Đáng) bị tai biến khi còn khá trẻ. Tuy phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác nhưng ông vẫn cố gắng vượt lên, tích cực lao động để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ông Đáng tự trấn an: “Tuy bi thảm, nhưng dù sao đó cũng là máu thịt mình rứt ruột sinh ra. Thương con, tôi cố nén nỗi đau để gánh vác trọng trách gia đình”. Không trông chờ ỷ lại vào các khoản trợ cấp của Nhà nước, ông đã vượt lên bằng nghị lực phi thường. Sáng nào ông cũng dậy sớm, đạp xe ra chợ và các khu đất bỏ hoang để hái rau về nuôi gà. Chiều tối, ông lại đẩy xe ba gác chở nước giải khát, bàn ghế ra vỉa hè đường Lý Tự Trọng bán đến khuya mới về. Cần mẫn lao động, mỗi tháng, từ quán nước vỉa hè và trại chăn nuôi gà, ông thu nhập 4 đến 5 triệu đồng. Ông cho biết: “Thu nhập như vậy, cùng với khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước đủ cho gia đình tôi trang trải cuộc sống hàng ngày. Tiền thuốc cho các con cũng được lo chu đáo”. Hiện nay, ông Đáng đang dự định mở rộng khu trại nuôi gà để tăng thu nhập cho gia đình. Đó là một hướng đi khá phù hợp với điều kiện sức khỏe cũng như hoàn cảnh gia đình ông hiện nay.
Giúp ích cho xã hội
Từng hoạt động trong những vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc dioxin, bà Phan Thị Kim Túy (65 tuổi, phường Tân Lập, TP. Nha Trang) đâu ngờ thứ chất độc đó đã ngấm vào máu thịt mình. Năm 1970, bà kết duyên với ông Nguyễn Hữu Nhị, nhưng niềm hạnh phúc ấy đã bị nỗi đau da cam chen vào khi ông bà sinh con trai Nguyễn Hữu Khoa. Đau buồn, nhưng không thể đầu hàng số phận. Bà Túy tâm sự: “Nếu chỉ nhìn vào những đau khổ thì sẽ khiến con người ta suy sụp. Trong sự mong manh giữa sự sống và cái chết, con người phải biết nén lại nỗi đau thương để vươn lên”.
Ông Nguyễn Xuân Đông (thứ 2 từ trái qua) trao đổi công việc với người lao động. |
Vượt lên nỗi đau da cam bằng những suy nghĩ lạc quan, bà Túy đã tận tụy làm việc, cống hiến cho xã hội. Trong thời gian công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà đã nảy sinh ý tưởng xây dựng bếp ăn từ thiện để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Bà Túy chia sẻ: “Chứng kiến những người nghèo điều trị bệnh ở đây ăn, uống kham khổ nên năm 2002 tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bệnh viện thành lập bếp ăn từ thiện; đồng thời tích cực vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp vật chất cùng chung tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Nhờ vậy, bếp ăn hoạt động hiệu quả, mỗi ngày phục vụ bữa ăn cho hàng trăm bệnh nhân nghèo”. Không dừng lại ở đó, bà Túy còn cùng các thành viên trong Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo y tế Khánh Hòa do bà làm Chi hội trưởng tiếp tục xây dựng thành công các bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viện Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Ninh Diêm - thị xã Ninh Hòa.
Bà Phan Thị Kim Túy viết thư kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cho các bếp ăn từ thiện. |
Năm 2004, bà Túy nghỉ hưu và dành phần lớn thời gian cho hoạt động của 7 bếp ăn. Hàng ngày, bà cùng với các thành viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo đến từng cơ quan, doanh nghiệp xin tài trợ kinh phí cho các bếp ăn. Nhờ thế, các bếp ăn luôn hoạt động hiệu quả. Sau hơn 10 năm thành lập, bà Túy và các thành viên đã vận động được hơn 13 tỷ đồng để cung cấp bữa ăn cho hơn 890.000 lượt bệnh nhân nghèo. “So với những người cùng cảnh ngộ, cuộc sống của gia đình tôi hiện có phần đầy đủ hơn. Giờ với tôi, công tác từ thiện là niềm vui mỗi ngày. Tôi sẽ cố gắng cùng với mọi người không ngừng đưa hoạt động của các bếp ăn phát triển hơn nữa, để có thêm nhiều người nghèo được giúp đỡ” - bà Túy tâm sự.
Công việc kinh doanh ổn định, ông Nguyễn Xuân Đông có thêm điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, người nghèo. Hiện doanh nghiệp của ông đang tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ của địa phương. Hầu hết lao động được ông ký hợp đồng, tham gia đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàng Việt Sơn (thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) - một công nhân cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Tôi không có bằng cấp nên khó khăn khi xin việc. Đúng lúc đó, ông Đông nhận tôi vào làm với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ thế, gia đình tôi dần thoát được nghèo, con cái được ăn học đàng hoàng”. Tuy công việc kinh doanh bận rộn, nhưng ông Đông vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Nha Trang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Đồng, Trưởng ban Mặt trận thôn. Với những cương vị đảm nhận, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được người dân quý mến. Với nghị lực vượt lên nỗi đau da cam để làm kinh tế, giúp ích cho xã hội, ông đã được các cấp, ngành, địa phương ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen...
Bà Phan Thị Kim Túy (bìa phải) trong một đợt đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ cho bếp ăn từ thiện |
Chia tay những nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi không khỏi cảm phục trước nghị lực vươn lên của họ. Tuy mang trong mình những nỗi đau, nhưng họ đều nỗ lực vượt qua để sống ý nghĩa và giúp ích cho xã hội.
VĂN GIANG
Ông Trần Quang Tuyến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Toàn tỉnh có 9.151 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó có nhiều nạn nhân đã ổn định được tinh thần, vượt lên nghịch cảnh, phát triển kinh tế gia đình và tham gia giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, người nghèo. Để động viên, khuyến khích và ghi nhận sự cố gắng ấy, ngày 10-8 chúng tôi sẽ tổ chức lễ biểu dương khen thưởng 20 nạn nhân tiêu biểu vượt khó, vươn lên hòa nhập với cộng đồng xã hội.