Qua 3 năm triển khai, cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã bước đầu thu hút sự quan tâm và đồng lòng thực hiện của đông đảo nhân dân, nhất là những tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực đường thủy.
Qua 3 năm triển khai, cuộc vận động (CVĐ) “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã bước đầu thu hút sự quan tâm và đồng lòng thực hiện của đông đảo nhân dân, nhất là những tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực đường thủy.
Xây dựng nhiều mô hình điểm
Khánh Hòa có gần 200 đảo lớn, nhỏ và vùng biển rộng lớn thuận lợi cho giao thông vận tải thủy nội địa. Toàn tỉnh hiện có 52 bến thủy nội địa; 9.724 tàu cá với 2.336 người có bằng thuyền trưởng; các phương tiện thủy khác là 625 chiếc, với 1.551 người có bằng lái.
Thuyền bè tấp nập trong vịnh Nha Trang. |
Những năm trước, trình độ dân trí của đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện và người dân còn thấp, ý thức chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình nuôi trồng thủy sản trên vùng nội thủy của tỉnh những năm qua phát triển mạnh. Đáng chú ý, loại hình này mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, nhiều nơi còn lấn chiếm luồng lạch gây cản trở giao thông. Trước tình hình đó, ngày 22-11-2011, Ban An toàn giao thông tỉnh phát động CVĐ “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Ngay sau lễ phát động, Ban chỉ đạo CVĐ được thành lập từ cấp tỉnh đến cơ sở, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của địa phương mình và tổ chức triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ban chỉ đạo tỉnh cũng tiến hành tổ chức khảo sát 7 địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư có hoạt động liên quan đến giao thông đường thủy (GTĐT) nội địa để xây dựng mô hình điểm về văn hóa GTĐT, gồm: Công ty Cổ phần Vinpearl Land, Công ty Du lịch Long Phú, Bến tàu du lịch Cầu đá, Cảng cá Hòn Rớ, Công ty TNHH Con Sẻ Tre, Khu dân cư đảo Vũng Ngán (Nha Trang), Thủy đội Phòng Cảnh sát đường thủy. Từ ngày 15-9-2012, lần lượt các đơn vị trên đã tổ chức lễ ra mắt mô hình “Bến văn hóa, văn minh, an toàn” và “Văn hóa GTĐT”. Các mô hình đã tập hợp, thu hút được các chủ doanh nghiệp, thuyền viên, người lái phương tiện và đông đảo cán bộ, nhân dân, học sinh tham gia hưởng ứng.
Đến nay, toàn tỉnh có 5 địa phương tổ chức mô hình “Văn hóa GTĐT”, đó là: “Đội tự quản” cầu Xóm Bóng, phường Vĩnh Phước, Nha Trang; mô hình “Tàu văn hóa giao thông an toàn” và “Văn hóa GTĐT” tại khu vực dân cư thôn Khải Lương (huyện Vạn Ninh). Thị xã Ninh Hòa chọn xã Ninh Vân và Khu du lịch Cát Trắng (phường Ninh Hải); TP. Cam Ranh chọn xã Cam Bình, Cảng cá Đá Bạc; huyện Cam Lâm chọn xã Cam Hải Đông và Khu du lịch Bãi Dài để tổ chức xây dựng mô hình điểm “Văn hóa GTĐT”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ: “Đạt được những kết quả trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và lãnh đạo của UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh. Đặc biệt, các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp nghiêm túc triển khai CVĐ. Công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT đường thủy và công tác xây dựng các mô hình văn hóa GTĐT là những bước đi quan trọng và đúng định hướng, giúp cho CVĐ đạt kết quả”. |
Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện CVĐ “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” luôn được xác định là một trong những công tác trọng tâm. Chính vì vậy, 3 năm qua, Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy nội địa... thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; quảng bá sâu rộng CVĐ đến các tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện và người trực tiếp tham gia GTĐT. Thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội thi đố em, in 1.000 đĩa CD có nội dung tuyên truyền pháp luật GTĐT nội địa; xây dựng, lắp đặt 3 cụm pa-nô ảnh và hơn 100 băng rôn, khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền pháp luật tại các mô hình điểm “Văn hóa GTĐT”; cấp phát hơn 9.000 tờ rơi trên các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên lĩnh vực đường thủy đã được Công an cùng Mặt trận Tổ quốc và các thành viên (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) vận động nhân dân tham gia; phối hợp với cơ quan Đăng kiểm, Thanh tra giao thông, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ban quản lý các bến cảng thường xuyên kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tuyên truyền vận động cho hơn 129.600 lượt thuyền viên, người lái phương tiện thủy; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm 435 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy với số tiền phạt hơn 231 triệu đồng. Nhân dân cũng đã giúp cho lực lượng Công an điều tra làm rõ nhiều vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự. Điển hình như: Tổ tự quản Bãi Lao thôn Bình Lập, xã Cam Lập (Cam Ranh) tổ chức vây bắt được 2 đối tượng trộm cắp tôm hùm lồng; Bảo vệ Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và chuyển cơ quan chức năng xử lý nhiều lượt ghe, thuyền của ngư dân đánh bắt thủy sản bằng chất nổ, chất độc hại và xung điện; Tổ bốc vác tự quản của Cảng cá Hòn Rớ nhiều lần bắt quả tang các đối tượng chuyên trộm cắp ngư cụ, dầu mỡ và tài sản khác trên các phương tiện neo, đậu tại bến; Công an xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) bắt và xử phạt hành chính vụ khai thác cát trái phép, phát hiện 20 bằng thuyền trưởng, máy trưởng có dấu hiệu làm giả... Qua đó góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo TTATGT đường thủy.
MINH HẠNH