09:08, 10/08/2013

Giáo dục trẻ khuyết tật: còn nhiều khó khăn

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên (GV) giáo dục (GD) đặc biệt, sự nhọc nhằn bám trụ với nghề… là những trở ngại ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật...

Thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên (GV) giáo dục (GD) đặc biệt, sự nhọc nhằn bám trụ với nghề… là những trở ngại ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) mà người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những đứa trẻ được sinh ra đã kém may mắn.

 

Thiếu thốn về cơ sở vật chất

 

Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Khánh Hòa (TT-BTXH) hiện chăm sóc, nuôi dạy hơn 60 TKT, bao gồm trẻ khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ… Bên cạnh cơ sở vật chất (CSVC) theo quy định chung, GDTKT cần trang bị các thiết bị đặc thù chuyên biệt cho từng loại TKT.

 

k
Một  buổi tập làm bánh tại Trung tâm Phục hồi Chức năng – Giáo dục Trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa.

 

Ông Trần Hiệp, Giám Đốc TT-BTXH cho biết: “TT gặp khó khăn về trang biết bị đồ dùng học tập, sách vở. Hiện trẻ khiếm thị đang phải sử dụng sách giáo khoa (SGK) cũ của 7-8 năm về trước. Trong khi đó, SGK cần phải cập nhật thường xuyên hàng năm theo chương trình mới. Đây cũng là điều tôi trăn trở và chưa có hướng giải quyết vì thiếu kinh phí”.

 

Bên cạnh đó, việc tập luyện, phục hồi chức năng (PHCN) hết sức quan trọng đối với các bệnh lý về xương khớp, nhưng số lượng thiết bị PHCN của TT hiện cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.  

 

Ngoài ra, TKT học xong chương trình lớp 5 được TT-BTXH cấp giấy chứng nhận (GCN) hoàn thành chương trình tiểu học. Tuy nhiên, có trường công nhận GCN này, tạo điều kiện cho các em học tiếp lên, nhưng có nơi từ chối nhận trẻ với lý do GCN không phải do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cấp. Vì thế, một số em muốn học lên cấp 2, 3 ở các cơ sở GD bên ngoài gặp khó khăn ngay từ thủ tục giấy tờ. Đây cũng là một trở ngại trong việc hòa nhập cộng đồng.

 

“TT mong nhận được sự phối hợp hỗ trợ từ phía Sở GD-ĐT cũng như sự chia sẻ của cộng đồng đối với các hoàn cảnh kém may mắn để tạo điều kiện cho các em nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, bước tiếp trên con đường học vấn của mình”- ông Trần Hiệp bày tỏ.

 

Thiếu giáo viên được đào tạo bài bản

 

Ngoài tâm huyết với nghề, yêu trẻ, GV dạy TKT rất cần có kiến thức chuyên môn và có năng lực sư phạm trong việc nuôi dạy TKT.

 

Hiện nay, tại Nha Trang, duy nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (CĐ SPTW) Nha Trang có khoa GD đặc biệt, đào tạo GV dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đây là nguồn cung cấp đội ngũ GV can thiệp trẻ tại gia đình, GV các trường chuyên biệt, hòa nhập ở bậc mầm non, tiểu học, TT-BTXH...

 

Dù tiêu chuẩn đầu vào khá thấp nhưng ít người mặn mà với ngành học này. Số lượng đơn đăng ký thi tuyển các năm đều thấp hơn so với chỉ tiêu.

 

k
Tình yêu thương cộng với kỹ năng chuyên môn trong việc chăm sóc, nuôi dạy tốt sẽ giúp trẻ thích nghi được với môi trường xung quanh, hòa nhập cộng đồng.


Thực tế này dẫn đến tình trạng một số cơ sở chăm sóc, nuôi dạy TKT thiếu GV đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành. Sự khó nhọc trong nghề cộng với thiếu chuyên môn sẽ khiến nhiều người dễ nản lòng mà “bỏ cuộc”.

 

“Dạy TKT phải thật sự có tâm huyết và kiên nhẫn vì dạy TKT kỹ năng nào cũng khó, từ việc chăm sóc bản thân cho đến các kỹ năng giao tiếp. Để GD có hiệu quả rất cần sự phối hợp tốt, chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường. Một tiến triển của TKT dù là nhỏ nhất cũng cần được phát hiện, theo dõi kịp thời...” -  thầy Trung Lâm với kinh nghiệm 3 năm làm việc tại Trung tâm Phục hồi Chức năng – Giáo dục Trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa bày tỏ.

 

Cô bảo mẫu Lê Mai chia sẻ: “GV dạy TKT luôn bận rộn, đôi khi thật căng thẳng. Nếu như chăm sóc, GD 1 trẻ bình thường đã vất vả thì việc nuôi dạy TKT sẽ khó nhọc gấp bội phần. Để bám trụ với nghề phải thật sự yêu nghề, cảm thương  sâu sắc sự thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu. Bên cạnh đó, tôi mong có thêm chế độ ưu đãi hơn đối với GV dạy TKT”.

 

Mục tiêu của GDTKT là hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, có tính tự lập tối đa và sự phụ thuộc tối thiểu; chuẩn bị tốt các kỹ năng xã hội, làm tiền đề cho TKT tự khẳng định, hoà nhập xã hội…. Tuy nhiên, thực tế, GDTKT vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu trên. TKT vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần trong quá trình tự hoàn thiện để hòa nhập cộng đồng.

Như Thảo