02:08, 05/08/2013

“Cứu” xe trên mọi nẻo đường

Nếu xe máy chẳng may gặp sự cố giữa rừng hoặc đêm hôm, bạn đừng vội lo lắng. Những người sửa xe lưu động sẽ tới “cứu nguy” kịp thời.

Nếu xe máy chẳng may gặp sự cố giữa rừng hoặc đêm hôm, bạn đừng vội lo lắng. Những người sửa xe lưu động sẽ tới “cứu nguy” kịp thời.


Cứu tinh giữa đường


Cách đây 1 năm, khi đang chạy xe trên đường Phạm Văn Đồng (Nha Trang) giữa đêm khuya vì có việc đột xuất thì chiếc xe của tôi lắc lư, bánh xe từ từ xẹp lép. “Giờ này đường vắng, nhà đã tắt điện đi ngủ, kiếm đâu ra tiệm sửa xe! Không lẽ phải dắt bộ hơn 10km nữa?” - tôi ngao ngán nhìn chiếc xe cà tàng.


Đang thất thểu dắt xe thì tôi được một người bán hàng gọi lại, cho số điện thoại của thợ sửa xe. Tôi vội vàng rút điện thoại cầu cứu. Lát sau, một người đàn ông luống tuổi, gương mặt hiền lành và có phần khắc khổ xuất hiện. Tấp xe vào vỉa hè, ông vội lấy đèn pin, đồ nghề ra xử lý sự cố. “Xe bị thủng săm! Bình thường thì giá 15.000 đồng. Vá 1 hay nhiều lỗ thủng chú cũng lấy chừng đó, nhưng nay chạy đường xa nên chú tính thêm 5.000 đồng tiền xăng” - ông nói rồi chăm chú vào công việc. Cảm ơn, trả tiền xong tôi mới sực nhớ quên hỏi tên người vừa giúp đỡ mình. Mới đây, xe lại trục trặc giữa đường, tôi dò tìm số điện thoại của ông thì may thay, đầu dây bên kia vẫn đổ chuông. Lúc này tôi mới biết ông tên Nguyễn Bình, nhà ở đường Hà Thanh - Nha Trang. Ông cười: “Xe hỏng thì cứ a lô chú một tiếng. Chú bận không đi được thì sẽ kêu người sửa xe khác hỗ trợ. Chú không đổi số, sợ người khác cần mình mà gọi không được...”.

 

Ông Trang đang hành nghề trên đèo ở Khánh Sơn
Ông Trang đang hành nghề trên đèo ở Khánh Sơn


Lần khác, khi đi công tác ở Khánh Sơn, vừa đến gần đỉnh đèo thì “con ngựa dã chiến” của tôi bỗng nhiên chết máy. Bối rối không biết phải làm gì, tôi gọi điện cho ông Thơ - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Sơn nhờ giúp. Nghe ông Thơ nói sẽ gọi thợ sửa xe tới, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chỉ mươi phút sau, ông Nguyễn Văn Trang, thợ sửa xe tại Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc đã có mặt. Sau khi được đổ nhớt, khởi động lại máy bị kẹt do lâu ngày không thay nhớt, chiếc xe lại chạy ngon lành. Rối rít cảm ơn và xin số điện thoại của ông Trang, tôi lại tiếp tục lên đường.


Một dạo khác, đi qua huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh, tôi được người dân giới thiệu về dịch vụ vá lốp lưu động của ông Nguyễn Đình Thiện (thôn Trung, xã Diên Lâm, Diên Khánh). Trước đây, ông Thiện là thợ sửa ô tô; sau này ông chuyển sang sắm máy cày, kéo bình hơi đi vá xe lưu động. Tuy mới “chinh chiến” hơn 1 năm nhưng chiếc máy cày cũ kỹ chất theo bộ đồ nghề mà ông vẫn gọi là “cỗ xe tăng” đã giúp ích không ít người.


Vất vả nhưng vui


Kể về cái duyên gắn với nghiệp sửa xe lưu động, ông Bình cho hay, trước đây, ông lái xe ôm, thu nhập đủ đắp đổi qua ngày. Khoảng 10 năm nay, sức khỏe không cho phép nên ông chuyển sang sửa xe. Ngặt nỗi, tìm được nơi sửa xe cố định không dễ nên ông nảy ra ý định sửa xe lưu động. Người nọ mách người kia, dần dần nhiều người biết và nhờ ông hỗ trợ. Ban ngày thường vắng khách nên ông kiêm thêm việc đóng vỏ bọc bếp lò nung tại nhà, ai gọi sửa xe thì đi. Có ngày đông khách, ông sửa xe cho khoảng 7, 8 người, khéo chắt bóp chi tiêu cũng đủ sống.


“Làm nghề này vất vả hơn ngồi vá xe ở một chỗ cố định” - ông Bình chia sẻ. Vật bất ly thân của ông chính là chiếc điện thoại di động. Khách gọi một tiếng, ông đang bưng bát cơm cũng phải bỏ xuống để đi. Nửa đêm đang ngon giấc bỗng giật mình vì tiếng chuông điện thoại, ông vội vã bật dậy ra khỏi nhà. Có khi vừa đặt chân vào nhà thì điện thoại reo, ông lại lật đật chạy xe đi. Đồ nghề lúc nào cũng phải để sẵn trên xe. Dịp lễ, Tết, người dân ra đường vui chơi nhiều, ông càng bận rộn. Ông bảo: “Công việc nào chẳng có cái sướng, cái khổ riêng. Nghề của mình lấy công làm lời thì phải cố gắng”. Không dưới một lần gặp cảnh chủ xe móc ví trả tiền mà chẳng còn đồng nào, ông cũng xuề xòa cho qua. “Có duyên thì gặp lại. Nếu họ nhớ thì hôm sau gửi lại tiền cho mình, không thì cũng chẳng sao. Ngược lại, cũng có nhiều người cảm thông, “bo” gấp đôi tiền sửa xe” - ông tâm sự.

 

1
“Cỗ xe tăng” của ông Thiện rong ruổi khắp vùng.


Ông Trang cũng là người có thâm niên trong nghề sửa xe lưu động. Năm 1995, ông “bén duyên” với nghề sửa xe nhưng lúc ấy nhu cầu chưa nhiều như bây giờ. Về sau, nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa tăng, Tỉnh lộ 9 được nâng cấp và có nhiều thương lái thồ hàng lên miền núi nên ngày càng có nhiều người tìm đến ông. Làm nghề lâu năm, nhưng tích cóp mãi đến năm 2010, vợ chồng ông mới cất được nhà, có cuộc sống ổn định. Dù vậy, ông vẫn tâm niệm làm điều nhân nghĩa, không “chặt chém” khách gặp sự cố dọc đường.


Với những người thợ sửa xe lưu động thì làm việc lúc mưa nắng thất thường hay đêm khuya là chuyện “cơm bữa”. Ông Trang nhớ mãi kỷ niệm về chuyến vá xe trong một đêm mưa tầm tã. Giữa đường đèo heo hút, lạnh lẽo, ông ngồi vá xe mà trời mưa như trút, áo mưa rách tả tơi. Sợ ướt miếng vá không thể dán được, ông kéo cả áo khoác ra che. Còn ông Bình thì nhớ trận lụt ở Nha Trang mấy năm trước. Nhiều tuyến phố ngập lụt, xe cộ thi nhau chết máy. Đang trên đường đi “giải cứu” cho những xe khác thì chiếc xe cũ kỹ của ông cũng “đổ bệnh”. Vừa sửa xe cho mình, ông vừa nôn nóng lo khách đang sốt ruột chờ.


Với chiếc xe máy và đồ nghề trị giá gần 100 triệu đồng, ông đã rong ruổi khắp mọi nơi. Có lần nghe báo một chiếc xe bị chết máy nằm giữa rừng Khánh Phú (Khánh Vĩnh), ông lập tức lên đường. Để tiếp cận chiếc xe bị hỏng, ông phải vượt qua 6 con dốc. Đến con dốc cuối cùng, xe cồng kềnh không leo lên được, ông phải bỏ lại bình hơi nặng hàng trăm kg. Qua được dốc, ông dùng dây tời kéo bình hơi lên để sửa xe. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ông vẫn vui vì giúp được nhiều người.


Còn với ông Bình, ông không quảng cáo dịch vụ bằng cách ghi tên và số điện thoại lên những nơi đông người vì “làm như vậy mất mỹ quan đường phố.” Đa số mọi người truyền tai nhau rồi báo cho nhau khi cần. Miễn là lúc khách cần, thợ có mặt kịp thời. Với những người sửa xe lưu động, dù làm nghề gì thì quan trọng nhất vẫn là chữ tâm. Có tâm thì mới sống lâu với nghề được.

 
VĨNH LẠC - ANH THÁI