10:07, 20/07/2013

Xây dựng khu giết mổ tập trung phải đồng bộ

Trước tình hình xây dựng các khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, kém hiệu quả, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

Trước tình hình xây dựng các khu giết mổ tập trung (KGMTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn nhiều khó khăn, kém hiệu quả, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.


- Thời gian qua, trên địa bàn cả nước cũng như của tỉnh có đầu tư các KGMTT, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế. Theo ông, đâu là nguyên nhân?


- Vai trò của các KGMTT rất quan trọng về môi trường, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người... Thế nhưng, chúng ta nhận thức chưa hết ý nghĩa của nó, dẫn đến còn tính toán, so đo khi bỏ kinh phí đầu tư các KGMTT. Lâu nay, nhận thức của chúng ta còn phiến diện, tuy chủ trương phù hợp nhưng còn xem nhẹ vấn đề đầu tư cho các KGMTT. Chính vì vậy, KGMTT được xây dựng còn thiếu trước hụt sau, chưa đúng nghĩa và khó phát huy được tác dụng...


Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước và Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng KGMTT nhưng hiệu quả không cao; nhiều khu đi vào hoạt động một thời gian rồi bỏ không, trả lại cho Nhà nước. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trước tiên là do nhận thức của chúng ta còn hạn chế, coi việc đầu tư các KGMTT là chưa bức thiết, đầu tư chiếu lệ, không bài bản. Thứ hai là do buông lỏng công tác quản lý về kiểm soát giết mổ. Các văn bản của Nhà nước có nhiều, nhưng thực tế, chúng ta không làm hoặc làm chưa đến nơi đến chốn. Công tác quản lý các lò mổ tư nhân thiếu kiên quyết, buông lỏng dẫn tới nhiều vi phạm. Vi phạm nhưng lại không có chế tài xử phạt hoặc xử phạt nhẹ nên không đủ sức răn đe. Thứ ba, chúng ta chưa có chính sách khuyến khích các hộ hành nghề giết mổ gia súc vào khu tập trung. Chủ lò mổ ngại vào khu tập trung bởi vừa tăng chi phí vừa buộc phải thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu của cơ quan chức năng, trong khi đó làm ở ngoài xuề xòa, chi phí ít, không đau đầu về bài toán lãi lỗ, xử lý ô nhiễm. Chính vì vậy, việc giết mổ tự phát phát triển tràn lan, khó kiểm soát... Bên cạnh đó, cơ quan thú y, cán bộ đóng dấu sát sinh chiếu lệ, chưa chủ động, thiếu kiên quyết... là cơ hội để giết mổ chui tiếp tục hoạt động.

ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa
Ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Khánh Hòa


- Vậy theo ông, giải pháp nào khả thi cho vấn đề này?


- Trong chính sách đầu tư cần xem xét mô hình đầu tư nào hiệu quả. Hiện nay, luật không cho phép tỉnh thành lập doanh nghiệp trực thuộc tỉnh. Vì vậy, vận động nhà đầu tư xây dựng KGMTT cũng là giải pháp hay. Tuy nhiên, tỉnh cần có chính sách khuyến khích như thế nào cho phù hợp. Nếu không có nhà đầu tư thì Nhà nước phải buộc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân (chủ các lò mổ) vào hoạt động. Tỉnh cần xem xét chính sách hỗ trợ lãi suất trong 10 năm, chính sách phải cụ thể và có sức hấp dẫn. Đối với các KGMTT như vậy, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu như: điện, nước, văn phòng làm việc, nhà xưởng, hệ thống xử lý chất thải...; cũng phải tính toán quy mô phù hợp. Cuối cùng, công tác quản lý phải kiên quyết; tiến hành điều tra, quản lý chặt chẽ số hộ giết mổ, vận động thuyết phục họ vào khu tập trung hoặc có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề; cần tổ chức đối thoại công tư để tìm giải pháp chung cho vấn đề này.
Công tác quản lý nhà nước rất quan trọng. 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh đầu tư kém hiệu quả không thể đổ lỗi cho việc đầu tư còn thiếu mà là chưa có giải pháp đồng bộ và triệt để. Việc xây dựng KGMTT phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt, chính quyền, đoàn thể cùng vào cuộc; tỉnh, huyện có chỉ thị, phương án, kế hoạch mới thành công...


- Xin cảm ơn ông!


PHÚ LÂM (Thực hiện)