03:07, 23/07/2013

Xã Ninh Đông: Băn khoăn dự án rau sạch

Dự án rau an toàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, người dân trong vùng vẫn rất băn khoăn khi dự án triển khai.

Dự án rau an toàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, người dân trong vùng vẫn rất băn khoăn khi dự án triển khai.


Nhiều nỗi lo


Có mặt tại làng rau xã Ninh Đông một ngày cuối tháng 7, chúng tôi thấy nhiều nông dân đang tất bật làm đất để... trồng bắp. Hỏi ra mới biết, tuy nằm trong vùng dự án rau sạch nhưng việc canh tác rau hoàn toàn mới lạ đối với họ. Vì vậy, trước mắt, họ vẫn trồng bắp. Bà Trần Thị Lệ (thôn Quang Đông) cho biết, bà rất băn khoăn, không biết phải làm gì khi dự án đi vào hoạt động. Lâu nay, thửa đất của bà vẫn làm lúa, bắp, cây lương thực, cây ngắn ngày. Hiện nay, bà không biết phải làm sao khi chuyển sang trồng rau nên vẫn tiếp tục trồng bắp. Trong khi đó, việc trồng rau đòi hỏi vốn lớn, kinh nghiệm nhiều và phải có thị trường. Cả nhóm người cùng làm đất trồng bắp với bà Lệ cũng đều phàn nàn về công việc mới. Ông Huỳnh Hân trần tình: “Dự án bảo trồng rau nhưng chúng tôi không có khả năng. Trồng rau 1 - 2 sào còn được, bảo làm cả mẫu thì lấy công lao động ở đâu vì nhà tôi chỉ còn có 2 vợ chồng...”.


Tìm gặp “triệu phú rau” Lê Cự (thôn Phú Nghĩa) - người đã có hàng chục năm gắn bó với cây rau. Ông Cự phân tích: Sản xuất rau theo dự án hiện nay, người dân gặp nhiều khó khăn như thiếu lao động, vốn, thị trường... Bình quân 1 lao động chuyên trồng rau có thể làm được 2 - 3 sào, nhưng phần lớn lao động hiện nay chỉ quen làm lúa, bắp, hoa màu. Không chỉ thế, phần lớn lao động nông thôn chỉ còn người lớn tuổi; nay chuyển qua trồng rau rất nhọc công nên ngán ngẩm. Về vốn, 2 năm liền, người dân không sản xuất được do dành quỹ đất để triển khai dự án, giờ đây chuyển sang làm rau đòi hỏi phải có nhiều vốn... Chưa hết, hiện nay, tuy nguồn nước tưới cho rau của dự án đặt trên bể cao nhưng áp lực yếu, khó có thể đảm đương việc tưới phun cho rau...

Người dân vẫn chưa mặn mà với cây rau.
Người dân vẫn chưa mặn mà với cây rau.


Sẽ hỗ trợ giải quyết

 

Dự án cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn Ninh Đông do UBND thị xã Ninh Hòa làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng (trung ương 3,5 tỷ đồng), trong đó chi phí xây lắp hơn 9 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính: Đường giao thông bê tông dài 1km, đường cấp phối hơn 900m; kênh mương chính gần 600m; bể nước 100m3; trạm bơm điện 3 máy bơm (1 dự phòng) công suất mỗi máy 30m3/giờ; cải tạo đồng ruộng... Dự án khởi công năm 2011, đưa vào hoạt động năm 2013.

Để triển khai dự án trồng rau sạch, xã Ninh Đông đang đề nghị thị xã cấp lại sổ cho người dân trong vùng dự án; đồng thời, triển khai cho người dân nhận đất sản xuất. Thời gian qua, do nắng hạn, thời tiết không phù hợp với sản xuất rau nên xã vẫn để các hộ trồng cây lương thực. Đến nay, hầu hết diện tích trong vùng dự án được trồng bắp, một số ít trồng rau. Để giải quyết khó khăn của người dân, xã đang đề nghị thị xã hỗ trợ giống ban đầu từ nguồn kinh phí khuyến nông, triển khai tập huấn cho người dân trong vùng dự án về sản xuất rau an toàn... Ông Trần Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, khó nhất là tìm đầu ra cho cây rau. Tết Quý Tỵ vừa qua, người dân làm rau rất khó bán, dội hàng nên nhiều người đã “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra, người dân cũng chưa mặn mà với cây rau vì thiếu vốn và kinh nghiệm...”. Ông Đăng khẳng định, do đây là dự án mới, khó thực hiện nên không thể làm qua loa,  ngày một ngày hai mà cần vận động, thuyết phục lâu dài.  


Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, vụ đầu tiên thị xã sẽ hỗ trợ người dân 50% giống, triển khai các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Về thị trường, hiện nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã xây dựng và được cấp trên thẩm định mô hình kiểm soát thực phẩm rau an toàn tại xã Ninh Đông theo mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, triển khai từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014.


Về những khó khăn của dự án, theo ông Dũng, việc người dân nói nước yếu là không chính xác, bởi khi nghiệm thu cho thấy dự án đạt yêu cầu; còn công lao động thiếu là không thiết thực, bởi trước khi lập dự án, ngành chức năng đã tiến hành cho người dân đăng ký, cam kết thực hiện.


Vĩnh Lạc