11:07, 31/07/2013

Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Gần chục hộ nuôi trồng thủy sản tại thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã gửi đơn đến xã kiện Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận đang nuôi thủy sản tại xã Ninh Quang, khu vực giáp ranh thôn Tam Ích) xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, làm chết tôm, cá. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thừa nhận…

Gần chục hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã gửi đơn đến xã kiện Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận đang nuôi thủy sản tại xã Ninh Quang, khu vực giáp ranh thôn Tam Ích) xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, làm chết tôm, cá. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) này không thừa nhận…


Người nuôi trồng thủy sản “tố” doanh nghiệp


Khi chúng tôi đến khu vực NTTS thôn Tam Ích, tại đây, người dân vẫn chưa hết bức xúc. Ông Nguyễn Văn Bự - người dân trong thôn cho biết: “Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận thường xả thải sau khi xử lý chất thải lắng đọng ở đáy ao. Nếu ai không biết, lấy nước này vào là tôm, cá bị sốc và chết ngay. DN xả thải vào khoảng 15 đến 18 giờ. Khi bị người dân phản đối, DN chuyển qua xả thải từ 19 đến 21 giờ. Nước xả ra đen và thối, khiến cả xóm Hòn San không ai chịu nổi, tôm thì nổi đầu, cá chẽm thì nổ mắt”. Ông Bự có 8.000m2 đìa nuôi tôm chân trắng, chi phí vụ nuôi vừa qua hơn 60 triệu đồng, nhưng do tôm bị sốc nước bẩn chết nhiều nên ông bán chỉ được 10 triệu đồng. Vụ này, ông cũng không tránh khỏi tình trạng tôm chết do bị nước thải đầu độc. Còn ông Nguyễn Xuân Sơn - người dân trong thôn nói: “Vụ đầu, tôi thả tôm nuôi được 20 - 30 ngày trên diện tích 7.000m2. Do không biết Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận xả thải nên lấy nước vô làm tôm chết hàng loạt, buộc phải thu hoạch sớm khi tôm mới đạt kích cỡ 500 con/kg, lỗ hơn 30 triệu đồng. Tranh thủ thời vụ, tôi cải tạo lại ao và thả tôm đợt 2. Nào ngờ, lúc này, DN xả thải vào ban đêm; tôi không biết nên lấy nước vào, thế là tôm tiếp tục chết...”.

 

Mương thoát nước này được cho là của Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận xả thải gây chết tôm, cá. (6545)
Mương thoát nước này được cho là của Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận xả thải gây chết tôm, cá.

 

Thôn Tam Ích có 260ha NTTS. Nguồn nước lấy từ đầm Nha Phu thông qua sông Găng. Nước cấp và xả đều qua sông này nên việc ô nhiễm không thể tránh khỏi. Ông Nguyễn Ngọc Luận - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh tình trạng này nhưng xã không giải quyết được do Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận kinh doanh trên địa bàn xã khác. Xã đã có công văn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Xã đề nghị các ngành chức năng vào cuộc để giải quyết vấn đề này nhằm tránh khiếu kiện kéo dài.


Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc


Ông Nguyễn Ngọc Hân - điều hành khu sản xuất của Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận tại khu vực này cho rằng, hiện nay, dịch bệnh xảy ra trong cả nước; người dân NTTS trong khu vực cũng đổ nước thải ra sông nên không thể đổ lỗi cho DN làm chết tôm, cá. Hiện nay, nước thải của DN được tập trung vào ao chứa, tiến hành xử lý 7 ngày sau mới xả ra môi trường. Tuy nhiên, ông Hân cho biết, nước xả vẫn còn đục và có mùi hôi. Do khó khăn về phòng tránh dịch bệnh, quy mô thị trường nên hiện nay, DN chỉ nuôi 24/35 ao, vì vậy lượng nước thải cũng giảm nhiều. Đến nay, DN này cũng chưa tách được đường cấp và thoát nước riêng, hệ thống cấp, thoát đều dựa vào mực nước lên xuống của sông Găng. Ông Hân cho rằng, nếu DN xả thải bừa bãi thì chính DN cũng đã hứng chịu hậu quả xấu.


Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng TN-MT cho biết, đến thời điểm này, Phòng TN-MT thị xã vẫn chưa nhận được công văn của xã Ninh Lộc, cũng chưa nghe phản ánh về vấn đề này. Việc cấp phép hoạt động của DN thuộc thẩm quyền của Sở TN-MT. Còn bà Trần Thị Gái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, Sở chưa nghe phản ánh của các đơn vị về vấn đề này. Trong trường hợp này, nếu cơ quan nào quản lý thì cơ quan đó kiểm tra. Thị xã buộc DN phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Nếu địa phương đề nghị hỗ trợ thì Chi cục sẽ phối hợp kiểm tra.  


Xả thải bừa bãi hoặc không bảo đảm các quy định hiện hành là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm. Trong khi chưa xác định ai là người gây hại, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để điều tra, làm rõ. Đồng thời, thông qua việc này, cần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường khu vực NTTS.


P.L