Trước thực trạng nạn phá rừng tiếp diễn tại nhiều địa phương, vừa qua, Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc họp để tìm giải pháp bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Trước thực trạng nạn phá rừng tiếp diễn tại nhiều địa phương, vừa qua, Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc họp để tìm giải pháp bảo vệ rừng (BVR) trong thời gian tới.
Rừng tiếp tục “chảy máu”
Thời gian qua, tình hình phá rừng trái pháp luật; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tại các địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn - nơi diện tích rừng còn nhiều, trữ lượng gỗ cao với nhiều loài cây gỗ có giá trị kinh tế lớn như: Pơ mu, bách xanh, gõ, kiền kiền, sơn huyết... đang trở thành điểm nóng về nạn khai thác rừng trái phép. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 418 vụ vi phạm Luật BV-PTR, tăng 63 vụ so với cùng kỳ năm 2012. Lực lượng chức năng đã xử lý tịch thu hơn 94m3 gỗ tròn, gần 465m3 gỗ xẻ hộp các loại (số lượng gỗ quy tròn hơn 838m3, trong đó có 76,6m3 gỗ thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm... Điển hình như: Vụ phá trắng 25,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 105 (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) thuộc lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương; khai thác rừng trái phép tại Suối Hương (huyện Vạn Ninh); tàng trữ gỗ tại Cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Bến Lội; các vụ vận chuyển gỗ, chống người thi hành công vụ trên tuyến đường Cầu Lùng - Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh)...
Nếu so sánh về độ “nóng” của tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, có thể không địa phương nào bằng Khánh Vĩnh. Ông Nguyễn Tây - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh lý giải: “Khánh Vĩnh là huyện có diện tích rừng lớn (86.000ha) với nhiều loài cây gỗ quý như: Pơ mu, thông nàng, gõ... Rừng lại nằm ngay hai bên đường từ Khánh Lê đi Lâm Đồng với đường đèo dài gần 40km nên thuận lợi cho lâm tặc tiếp cận để khai thác và vận chuyển gỗ trái phép”. Xác định đây là điểm nóng về nạn khai thác rừng trái phép nên từ đầu năm 2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã điều Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh đến đóng chốt tại địa phương này để chốt chặn các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép. Tính đến nay, Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh đã xử lý 97 vụ vi phạm, chủ yếu xảy ra trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; tịch thu hơn 20,4m3 gỗ tròn, 101,6m3 gỗ xẻ các loại và nhiều phương tiện vận chuyển gỗ trái phép.
Điều đáng lo ngại là các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép đang ngày càng manh động hơn, sẵn sàng chống trả lực lượng chốt chặn, truy đuổi để vận chuyển gỗ với số lượng lớn. Trong thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, liên tiếp xảy ra 3 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, khiến cho nhiều chiến sĩ Công an huyện Khánh Vĩnh bị thương trong quá trình truy đuổi. Điển hình như vụ các đối tượng vận chuyển hơn 5,6m3 gỗ pơ mu đã sử dụng ô tô, bình cứu hỏa để ngăn chặn lực lượng truy đuổi làm 1 chiến sĩ Công an bị thương. Gần đây nhất, ngày 13-7, trên đường trốn chạy, các đối tượng vận chuyển gỗ ở xã Diên Tân (huyện Diên Khánh) đã đổ 63 hộp gỗ xẻ với khối lượng gần 3,2m3 xuống đường khiến 2 chiến sĩ Công an bị thương.
Một góc rừng phòng hộ đầu nguồn suối Bột tại tiểu khu 105 (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) bị chặt trắng. |
Làm gì để bảo vệ rừng?
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV-PTR tỉnh, ông Bùi Phước Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương nhận định: “Mặc dù các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ đều thành lập lực lượng QL-BVR, nhưng về cơ sở pháp lý, công cụ hỗ trợ không đầy đủ so với lực lượng Kiểm lâm. Các đối tượng lâm tặc chỉ sợ lực lượng Kiểm lâm chứ không sợ lực lượng BVR của doanh nghiệp. Trong đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề cập đến việc thành lập lực lượng Cảnh sát lâm nghiệp. Nếu lực lượng này được thành lập thì chắc chắn việc BVR sẽ tốt hơn. Để tăng cường công tác BVR khi chưa có Cảnh sát lâm nghiệp, ngoài lực lượng của chủ rừng, cần tăng cường thêm lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng để bảo vệ khoảng 186.000ha rừng của tỉnh hiện nay”.
Về công tác BVR của các chủ rừng và chính quyền cơ sở hiện nay, ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: “Thực tế hiện nay, chưa có nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương chủ động trong công tác BVR mà còn trông chờ vào lực lượng liên ngành của tỉnh. Thời gian qua, thông tin về các vụ phá rừng chủ yếu được người dân thông báo về Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh, rất ít báo về chính quyền xã và các Hạt Kiểm lâm. Nguyên nhân của việc này do người dân không tin tưởng hay do người ta báo mà mình không làm? Trước mắt, để giải quyết tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại địa bàn Khánh Vĩnh, Chi cục sẽ tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm lâm cơ động tỉnh chốt chặn trên tuyến đường Cầu Lùng - Khánh Lê; đồng thời điều động thêm lực lượng Kiểm lâm đến Khánh Vĩnh để tập trung giải quyết điểm nóng này”.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, trước tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép “nóng” như hiện nay, việc quản lý rừng từ gốc là quan trọng hơn cả. Trong 3 khâu: Khai thác trái phép, vận chuyển trái phép, tiêu thụ trái phép thì việc chống khai thác trái phép là quan trọng hơn cả, còn việc chốt chặn các đối tượng vận chuyển, kiểm tra các cơ sở chế biến chỉ là phần ngọn. “Để tăng cường BVR trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, lập danh sách những đối tượng tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng phá rừng để có biện pháp xử lý; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện thường xuyên phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhất là các điểm nóng về phá rừng hiện nay” - ông Hoa cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV-PTR tỉnh, ông Lê Đức Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần bổ sung, kiện toàn nhân lực của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tiến hành luân chuyển cán bộ kiểm lâm để làm trong sạch bộ máy. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cần bố trí lại các Trạm QL-BVR cho phù hợp với tình hình hiện nay; linh động trong việc điều động lực lượng để xử lý kịp thời các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tăng cường phối hợp với các đơn vị chủ rừng để tuần tra kiểm soát nhằm QL-BVR từ gốc. Các đơn vị chủ rừng cần xác định rõ trách nhiệm chính của mình trong việc quản lý, BV-PTR; cần tập trung lực lượng xử lý những điểm nóng phá rừng trái phép trong lâm phận của mình. UBND cấp huyện phải chỉ đạo UBND cấp xã có kế hoạch, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ QL-BVR theo quy định. Lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng, chính quyền các cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác QL-BVR.
BÍCH LA