Đới bờ là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, tính từ mép nước ra biển 6 hải lý, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ.
Đới bờ là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, tính từ mép nước ra biển 6 hải lý, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ.
Đới bờ được con người quan tâm đặc biệt bởi nó đặc trưng cho quá trình động lực và sinh thái phức tạp, liên quan chặt chẽ qua các hiện tượng thủy triều, sóng, gió, dòng chảy, bão dâng, trầm tích, cát bay, cát nhảy, xói lở bờ sông, biển, thay đổi địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học…; là nơi cung cấp thực phẩm, năng lượng cho con người, cũng là môi trường, giải trí, phát triển của con người; nơi có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ, sôi động như: Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển cảng, giao thông đường thủy, du lịch, phát triển công nghiệp, đô thị… Cùng với sự gia tăng dân số và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội tại đới bờ dẫn đến những vấn đề nổi cộm như: Khai thác tài nguyên quá mức, mâu thuẫn trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên, suy thoái tài nguyên, sinh thái, ô nhiễm môi trường, gia tăng thiên tai làm ảnh hưởng đến cuộc sống và phát triển của cộng đồng dân cư ven biển.
Những vấn đề phức tạp tại đới bờ có tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái. Tuy nhiên, việc quản lý đới bờ theo đơn ngành, lãnh thổ sẽ làm nảy sinh các vấn đề về tài nguyên môi trường. Điều đó dẫn đến sự chia cắt bất hợp lý về không gian, tài nguyên, sự phân cấp quản lý chồng chéo, tạo khe hở cho công tác quản lý. Vì thế, chỉ có quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) mới bảo đảm tính hiệu quả của việc khai thác, sử dụng tài nguyên, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các ngành, cơ quan, khắc phục tính phân tán trong cách tiếp cận quản lý đơn ngành và theo lãnh thổ, tập trung giải quyết mâu thuẫn các ngành, cơ quan cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên, không gian vào các mục đích khác nhau. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, QLTHĐB là một hoạt động quan trọng nhằm xây dựng, thiết kế, cung cấp khuôn khổ và công cụ phối hợp quản lý khả thi cho các nhà hoạch định chính sách làm kế hoạch QLTHĐB theo hướng bền vững.
Đới bờ là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Cảng Nha Trang) |
4 thập kỷ qua, nhiều hoạt động về QLTHĐB của các khu vực, quốc gia và địa phương trên thế giới đã được triển khai. Các chương trình, dự án về QLTHĐB đã được xây dựng và thực hiện tại nhiều châu lục trên thế giới. Việc áp dụng QLTHĐB đã đạt được những thành công lớn, giúp tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường và phát triển xã hội. Tại khu vực Đông Á, Chương trình Hợp tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á (gọi tắt là PEMSEA) với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã triển khai thành công các chương trình, dự án QLTHĐB tại nhiều địa phương như: Batangas (Philippin), Hạ Môn (Trung Quốc), eo biển Malacca…
Ở Việt Nam, QLTHĐB ngày càng nhận được sự quan tâm cả ở cấp Trung ương và địa phương. Các dự án về QLTHĐB đã và đang được triển khai thực hiện tại một số vùng của Việt Nam, đặc biệt là tại dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ như: Dự án Điểm trình diễn quốc gia về QLTHĐB tại Đà Nẵng và Dự án song song về QLTHĐB tại Quảng Nam (trong khuôn khổ PEMSEA); Dự án Việt Nam - Hà Lan về quản lý tổng hợp dải ven biển (VNICZM) thí điểm tại các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa Vũng Tàu; Dự án QLTHĐB thử nghiệm tại Quảng Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại khu vực Bắc bộ, dự án QLTHĐB tại các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng do NOAA tài trợ được thực hiện trong giai đoạn 2004 - 2007. Đặc biệt, ngày 9-10-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Quyết định này đã tạo hành lang pháp lý cho 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó có Khánh Hòa triển khai QLTHĐB.
Đến nay, tuy vẫn ở trong giai đoạn đầu áp dụng QLTHĐB, nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã bước đầu hình thành được cơ chế điều phối, hợp tác đa ngành, hỗ trợ giải quyết được nhiều vấn đề, mâu thuẫn trong sử dụng đới bờ, cân bằng lợi ích các bên hưởng lợi và chịu tác động từ việc khai thác, sử dụng đới bờ. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành chiến lược và kế hoạch hành động về QLTHĐB, thiết lập được cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin dữ liệu tài nguyên, môi trường đới bờ, tổ chức được các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về QLTHĐB. Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đều đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng của QLTHĐB và đang từng bước lồng ghép các nguyên tắc, nội dung của QLTHĐB vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Ông Hoàng Duy Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các nội dung QLTHĐB cần tập trung trong thời gian tới là: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách; phát triển năng lực về QLTHĐB; tăng cường nâng cao nhận thức về QLTHĐB; triển khai QLTHĐB cho các địa phương ven biển và tăng cường hợp tác quốc tế, từng bước đưa công tác QLTHĐB vào nề nếp, là công cụ cho phát triển bền vững…
Phú Lâm