Những năm qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều diện tích đất sản xuất hai bên bờ sông Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất sản xuất, người dân ở 2 thôn Liên Hiệp và Xà Bói (xã Sơn Hiệp) đã có ý tưởng “Nắn dòng chảy chống sạt lở”.
Những năm qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều diện tích đất sản xuất hai bên bờ sông Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất sản xuất, người dân ở 2 thôn Liên Hiệp và Xà Bói (xã Sơn Hiệp) đã có ý tưởng “Nắn dòng chảy chống sạt lở”. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên người dân rất cần được hỗ trợ.
Mất đất sản xuất
Đứng nhìn mảnh đất đã bị nước lũ cuốn trôi, nay chỉ còn trơ lại toàn sỏi, đá dưới sông, anh Mấu Tha (thôn Xà Bói) không giấu được nỗi lo âu, buồn phiền. Năm 2012, bằng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Mấu Tha vay được 30 triệu đồng đầu tư mua 5 sào đất ở cạnh bờ sông Tô Hạp để trồng mía tím và bắp. Thế nhưng, chưa kịp thu hoạch thì mưa lũ đã làm ruộng mía nhà anh sạt lở xuống sông, nay chỉ còn lại khoảng nửa sào. “Tôi vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất, nhưng nay đất bị sạt lở hết, gia đình không thu hoạch được gì nên không biết lấy gì để trả nợ ngân hàng. Không những thế, ngôi nhà của gia đình tôi nay chỉ cách bờ sông chưa đầy 10m, mùa mưa đang tới gần không biết có trụ lại nổi hay không” - anh Mấu Tha lo lắng.
May mắn hơn hộ anh Mấu Tha, hộ anh Nguyễn Văn Sáng (thôn Liên Hiệp) tuy vẫn còn đất để sản xuất, nhưng anh cũng không khỏi lo lắng vì đất đai của mình cứ mất dần sau mỗi mùa mưa. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài năm nữa tất cả ruộng vườn của gia đình anh đều trôi hết theo dòng nước.
Hiện nay, khu vực sản xuất tập trung của hơn 200 hộ dân thuộc 2 thôn Liên Hiệp và thôn Xà Bói (xã Sơn Hiệp) nằm bên bờ sông Tô Hạp. Trước đây, khu vực này rộng cả trăm héc-ta, được bà con chuyên thâm canh cây mía tím, sầu riêng, cà phê, chuối và bắp. Những năm gần đây, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, đoạn sông Tô Hạp chảy qua khu vực này thay đổi dòng chảy và làm sạt lở hàng chục héc-ta đất sản xuất của bà con nông dân. Hộ ít thì mất một vài sào, có hộ mất đến gần 1ha. Không còn đất sản xuất, một số hộ lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần. Không những thế, con đường để người dân 2 thôn vận chuyển nông sản cũng đã sạt lở từ lâu. Hiện nay, người dân chỉ còn cách vác từng buồng chuối, bó mía đi trên cây gỗ bắc qua khe suối làm cầu tạm. Nhưng vị trí bắc cây cầu tạm cũng chỉ còn cách mép sông khoảng 20cm và có thể bị dòng nước cuốn đi bất cứ lúc nào.
Đất sản xuất bị sạt lở tạo thành bãi bồi toàn sỏi đá. |
Ý tưởng “Nắn dòng chảy chống sạt lở”
Để giữ đất sản xuất, anh Nguyễn Văn Sáng đã có ý tưởng “Nắn dòng chảy chống sạt lở” và kêu gọi được 3 hộ gia đình khác cùng góp tiền tham gia. Ban đầu anh cùng mọi người đắp bờ ngăn nước, khoảng cách từ bờ đến khu vực đất sản xuất rộng khoảng 20 - 50m. Sau đó, làm các rọ đá để kè bờ rồi trồng cỏ trên mặt bờ kè để chống sạt lở. Những vật liệu để làm bờ kè là đá, sỏi sẵn có ở sông. Khu vực bãi bồi giữa bờ kè và khu vực đất sản xuất sẽ được trồng keo phân tán xen lẫn cỏ voi. Bờ kè và keo, cỏ voi sẽ tạo thành những lớp ngăn nước lũ bảo vệ đất sản xuất không bị sạt lở. Đồng thời, việc trồng keo và cỏ voi cũng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Anh Sáng cho biết, thực tế ở Khánh Sơn có một số người trồng keo trên bãi bồi toàn cát, sỏi và đã phát triển khá tốt. Tuy nhiên, anh có thêm ý tưởng trồng xen cỏ voi vừa để phục vụ chăn nuôi, vừa giúp giữ lại phù sa qua mỗi mùa mưa lũ.
Người dân đang làm bờ kè. |
Ý tưởng “Nắn dòng chảy chống sạt lở” của anh Sáng và bà con trong thôn đã được xây dựng thành đề tài sáng tạo kỹ thuật, được Hội Nông dân huyện chọn tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật do Tỉnh hội tổ chức trong thời gian tới. Với số tiền 35 triệu đồng người dân tự đóng góp, hiện nay, nhóm thực hiện đã đắp được khoảng 100m bờ kè, đang chuẩn bị trồng keo và cỏ voi. Tuy nhiên, để thực hiện hoàn chỉnh đề tài thì cần nguồn vốn lớn hơn nhiều lần. Điều này nằm ngoài khả năng của bà con, vì nguồn thu nhập chính của những hộ gia đình ở đây chỉ phụ thuộc vào mấy sào mía, mấy sào bắp đang có nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào.
Theo ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp, dự tính bà con sẽ phải đắp khoảng 2.000m bờ kè chạy dọc theo khu vực đất bị sạt lở. Để làm được việc này, người dân rất cần sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp. Ông Kết cho biết: “Hầu hết diện tích đất màu mỡ của xã Sơn Hiệp tập trung tại 2 thôn Xà Bói và Liên Hiệp, nằm dọc theo bờ sông Tô Hạp. Tình trạng sạt lở đất hàng năm đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều người dân. Do đó, việc nắn dòng chảy, chống sạt lở bờ sông hiện nay là rất cần thiết”.
Người dân vận chuyển nông sản qua cây cầu tạm. |
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Toàn huyện hiện có 371 hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Tình trạng này đã và đang là bài toán khó đối với địa phương và các ngành liên quan. Xét thấy ý tưởng “nắn dòng chảy chống sạt lở” của người dân xã Sơn Hiệp là khả thi, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nhưng chưa được xét duyệt”.
Có thể nói, “Nắn dòng chảy chống sạt lở” là một ý tưởng hay, nhưng đây sẽ chỉ là ý tưởng nếu bà con không nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Đinh Luận
(Đài TT-TH Khánh Sơn)