Đã bước qua tuổi 80, cuộc đời của cụ bà Phạm Thị Tùng ở thôn 1, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) như ngọn đèn trước gió. Thế nhưng, mỗi một sáng mai thức dậy, cụ Tùng lại mong mình được khỏe mạnh, bởi nếu cụ chết đi thì đứa con tật nguyền đang bệnh nặng, đứa cháu nội đang chuẩn bị vào học lớp 3 không biết nương tựa vào ai.
Đã bước qua tuổi 80, cuộc đời của cụ bà Phạm Thị Tùng ở thôn 1, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) như ngọn đèn trước gió. Thế nhưng, mỗi một sáng mai thức dậy, cụ Tùng lại mong mình được khỏe mạnh, bởi nếu cụ chết đi thì đứa con tật nguyền đang bệnh nặng, đứa cháu nội đang chuẩn bị vào học lớp 3 không biết nương tựa vào ai.
Chúng tôi đến thăm gia đình cụ bà Phạm Thị Tùng lúc trời chạng vạng tối, khi bà đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho 2 mẹ con và đứa cháu nội trong gian bếp chật hẹp. Nhìn cảnh bà ngồi lết dưới đất, chống tay để đi lại và sờ soạng tìm vật dụng trong nhà mà chúng tôi không khỏi xót xa. Thấy có người tới, bà Tùng cứ ngỡ mấy người hàng xóm tốt bụng sang thăm, bởi mấy năm nay bà vẫn thường được bà con lối xóm giúp đỡ mớ rau, con cá hay vài ba cân gạo.
Bà Tùng năm nay đã hơn 80 tuổi, chồng bà bị bạo bệnh qua đời từ năm 1964. Bà ở vậy một mình nuôi 5 người con khôn lớn. Thế nhưng, nhà chỉ có vài sào ruộng, con cái vì nghèo khó không được học hành nên sự túng bấn cứ bám víu vào gia đình bà suốt mấy chục năm nay. Các con gái lớn rồi cũng đến tuổi gả chồng, còn bà Tùng sống với đứa con trai duy nhất bị bại liệt 2 chân trong căn nhà tranh dột nát. Hàng ngày, bà Tùng đi nhặt nhạnh, hái từng mớ rau mang ra chợ bán, mỗi bữa được vài chục ngàn đồng chỉ đủ mẹ con rau cháo qua ngày, còn chuyện ốm đau, bệnh tật thì đành phó mặc cho số phận.
Bà Tùng bên đứa con trai tật nguyền bạo bệnh và đứa cháu nội mồ côi. |
Sau bao nhiêu năm sống trong cô đơn, mặc cảm, thấy mẹ già ngày càng héo hắt, người con trai tật nguyền của bà là anh Nguyễn Văn Thuận (nay 57 tuổi) cũng vượt qua nỗi đau của chính mình, quyết định tự mưu sinh để cùng mẹ vượt qua sự ngặt nghèo của số phận. Lúc đầu anh Thuận chọn nghề bán hàng rong, nhưng do tật nguyền, không cạnh tranh được với những người lành lặn nên anh chuyển sang nghề bán vé số. Chính nhờ sự cần mẫn, đồng cam cộng khổ mà cuộc sống của mẹ con bà Tùng đỡ ngặt nghèo hơn. Không những thế, anh Thuận còn tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật và tìm lại được niềm vui, nguồn động viên tinh thần cho khoảng thời gian còn lại của cuộc đời.
Năm 2004, khi có người mai mối, bà Tùng quyết định bán mảnh vườn còn lại để cất một ngôi nhà ngói 2 gian và dành tiền cho anh Thuận lấy vợ. Bà con, bạn bè trong thôn ai cũng mừng vì giờ đây gia đình anh thoát cảnh mẹ góa, con côi. Càng mừng hơn, đến năm 2005 vợ chồng anh Thuận sinh được một cô con gái kháu khỉnh. Thế nhưng, sau khi cô con gái tròn 3 tuổi, vợ anh Thuận bỏ nhà ra đi và mang theo luôn số tiền gần 10 triệu đồng mà anh dành dụm được. Sau cú sốc đó, anh Thuận trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Nhưng vì thương con gái và mẹ già đang tuổi xế bóng, anh Thuận gắng gượng vượt qua bệnh tật, tiếp tục bươn chải bán vé số để kiếm tiền lo cho gia đình, bởi lúc này mẹ anh không còn khả năng lao động. Thế nhưng, do hàng ngày phải dầm mưa dãi nắng, đi sớm về khuya nên gần 3 năm nay, anh Thuận mắc chứng lao phổi, sau đó chuyển sang bệnh tim. Theo chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Thuận bị suy tim độ 3, hở van tim. Nếu phẫu thuật phải tốn khoảng 60 - 70 triệu đồng. Do không có tiền điều trị, anh Thuận đành phải về nhà mua thuốc uống theo đơn. Hơn thế, thu nhập hàng ngày từ việc bán vé số cũng không còn nên hoàn cảnh của gia đình anh đang gặp rất nhiều khó khăn, tiền mua thuốc chữa bệnh cũng không có. Hiện nay, toàn bộ tiền thuốc, ăn uống, sinh hoạt của cả gia đình 3 người đều trông chờ vào 450.000 đồng tiền trợ cấp người khuyết tật, người cao tuổi hàng tháng của anh và mẹ.
Ông Nguyễn Trị, thôn trưởng thôn 1, xã Diên Phú cho biết: “Gia đình bà Tùng là hộ nghèo ở địa phương từ nhiều năm nay, gia cảnh lại khốn khó vì cả 3 người đều thuộc diện người già, người tàn tật và trẻ em mồ côi. Trước đây, khi anh Thuận còn đi bán vé số thì cũng tạm ổn định. Còn 2 năm trở lại đây, do không còn sức lao động, lại bệnh tật nên hoàn cảnh gia đình bà Tùng, anh Thuận đang rất bi đát. Thỉnh thoảng, bà con trong thôn người cho vài ký gạo, mấy con cá nhưng không thể hỗ trợ thường xuyên, vì người dân nông thôn cũng không khá giả gì. Thông qua Báo Khánh Hòa, tôi cùng bà con trong thôn mong các nhà hảo tâm, các nhà từ thiện hỗ trợ gia đình bà Tùng vượt qua cơn khốn khó”.
Giờ đây sức khỏe ngày một yếu, bà Tùng đang mang nặng nỗi lo những đứa con tật nguyền không biết có vượt qua được cơn bạo bệnh, rồi đứa cháu nội tương lai không biết nương tựa vào ai. “Tôi mong mỗi ngày thức dậy mình còn khỏe mạnh để chăm sóc cho con, cho cháu. Chỉ sợ tuổi già như ngọn đèn trước gió, lúc mình chết đi con cháu không biết nương tựa vào ai!?”, bà Tùng xót xa.
Chứng kiến hoàn cảnh thương tâm và lắng nghe ước nguyện của bà Tùng, chúng tôi không khỏi xót thương và rất mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ: Hộp thư từ thiện, Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, TP. Nha Trang.
Trâm Anh