11:07, 12/07/2013

“Hung thần” trên biển

Cùng ngư dân Nguyễn Thanh Lương (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa) đi chuyến biển đêm, chúng tôi mới biết thế nào là những “hung thần” trên vùng biển gần bờ chuyên khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào.

Cùng ngư dân Nguyễn Thanh Lương (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đi chuyến biển đêm, chúng tôi mới biết thế nào là những “hung thần” trên vùng biển gần bờ chuyên khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào. Những tàu, thuyền này không chỉ khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, mà còn gieo không ít nỗi buồn cho đời sống ngư dân.


Ra biển trong nỗi lo


Ghe vừa nhổ neo, chạy được mươi phút, anh Lương lấy bọc cá rô phi vợ mua trước đó để buộc vào những chiếc lờ làm mồi dụ đàn ghẹ. Vừa buộc mồi anh vừa tâm sự: “Gắn bó với nghề biển hơn hai chục năm nay, chưa bao giờ tôi thất bại như thời gian gần đây. Chuyến nào đi cũng lỗ mất hơn trăm nghìn tiền dầu. Trước đây, tôi câu mực, do thất bại nên chuyển sang lưới cá cũng thất bại, giờ thì thả lờ bắt ghẹ nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Ngư dân mà không làm nghề biển thì biết làm gì, thế nên tôi cứ đi nhưng chẳng trông đợi gì nhiều, mỗi chuyến may lắm chỉ kiếm được 100.000 đồng tiền lời. Cũng như tôi, hàng trăm ghe thuyền hoạt động gần bờ ở phường Ninh Hải đều như vậy”.

 

Chiếc tàu không số hiệu hành nghề giã cào mà chúng tôi bắt gặp trong chuyến đi.
Chiếc tàu không số hiệu hành nghề giã cào mà chúng tôi bắt gặp trong chuyến đi.


Rồi anh Lương chỉ tay về phía tàu, thuyền đang neo đậu tại vùng biển phường Ninh Thủy và lý giải, những chiếc thuyền ấy có công suất rất lớn nhưng vẫn hoạt động tuyến gần bờ thay vì khai thác thủy sản ở tuyến lộng, tuyến khơi như quy định. “Điều đáng nói là họ lại đánh bắt thủy sản bằng chất nổ. Không chỉ vậy, cả những tàu giã cào ở Vạn Ninh cũng vào đây cào tận đáy. Với cách đánh bắt ấy, cá lớn, cá bé gì cũng hết”, anh nói.


Cho ghe tăng tốc hướng về vùng nước cạnh Trạm Phân phối xi măng Ninh Thủy, anh Lương thả lờ ghẹ. Đến nơi, gặp mấy ngư dân đang lặn bắt ốc, anh hỏi thăm về đàn ghẹ nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu: “Trước đây vùng này nhiều ghẹ lắm, nhưng họ đánh mìn, giã cào dữ quá nên có còn bao nhiêu đâu. Không chỉ ghẹ mà ốc cũng chẳng có”. Nghe vậy, anh Lương thở dài nhưng cũng bắt đầu thả lờ mong vớt vát được chút nào hay chút ấy.


Biển dậy sóng vì “hung thần”

 

Một chiếc tàu đánh bắt thủy sản bằng chất nổ đang quay lưới trủ để đưa cá lên tàu.
Một chiếc tàu đánh bắt thủy sản bằng chất nổ đang quay lưới trủ để đưa cá lên tàu.


Khi mặt trời vừa khuất núi cũng là lúc anh Lương thả xong những chiếc lờ ghẹ cuối cùng. Trên chiếc thuyền con, không ai bảo ai đều lắng tai nghe xem xung quanh có gì lạ, bởi những ngư dân mà chúng tôi gặp trong chuyến đi đều khẳng định: “Cứ chập tối là những người đánh mìn, giã cào sẽ hoạt động khắp vùng biển này”. Ngồi khoảng dăm phút, anh Lương bật dậy nói: “Có tiếng uỵch dội từ dưới đáy thuyền lên. Bọn chúng đang đánh mìn đó”. Nói đoạn, anh hướng ánh mắt về phía những chiếc thuyền đang khai thác thủy sản cạnh Hòn Lớn (phía Nam vịnh Vân Phong), cách chúng tôi khoảng 1 hải lý. Mấy chục năm làm nghề biển ven bờ, anh Lương đã thuộc nằm lòng những tàu, thuyền thường khai thác thủy sản bằng chất cấm, phương tiện hủy diệt. Theo lời kể của anh, những chiếc thuyền nhỏ dùng đèn tuýp có ánh sáng trắng là tàu câu mực; thuyền chong đèn cao áp có ánh sáng đỏ là thuyền đánh mìn, chủ yếu đến từ phường Ninh Thủy, còn thuyền thắp những ngọn đèn lờ mờ hoặc không chong đèn là tàu giã cào của ngư dân Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh).


Ghe chúng tôi nổ máy, chạy nhanh về phía chiếc thuyền có ánh sáng đỏ. “Mỗi đêm, trên vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong có hàng chục tàu, thuyền chuyên đánh bắt cá bằng chất nổ và giã cào. Riêng với những thuyền đánh cá bằng chất nổ, mỗi lần ra biển nếu máy tầm ngư phát hiện ra cá, họ phải đánh khoảng 6-7 trái mìn, mỗi trái ít nhất 1 lạng thuốc nổ. Còn với tàu giã cào thì họ càn quét từ chập tối đến khoảng 3 giờ sáng mới rút đi”, anh Lương cho biết. Sau khoảng 10 phút tăng tốc, ghe chúng tôi giáp mặt với thuyền đánh mìn không đề số hiệu. Trên thuyền có 10 người đàn ông đang hì hục thả dàn lưới trủ để vây đàn cá cơm, cá liệt đang lờ đờ nổi lên mặt nước sau cú nổ… Trong vai những ngư dân sang xin ít cá để nấu bữa tối, chúng tôi bơi thuyền thúng sang. Thấy điệu bộ khẩn khoản của chúng tôi, một người tên Trung bảo: “Mẻ này cá nặng lưới, ít cũng được 15 ký (theo cách nói của dân đánh mìn thì 1 ký là 10kg), các anh ngồi đợi chút rồi lấy về mà nấu”. Trong khi đợi, giả vờ đi loanh quanh, chúng tôi thấy trong ca bin lăn lóc 1 vỏ lon nước yến, 1 vỏ lon bò húc đã cũ nhưng rất nặng, 2 sợi dây cháy chậm đã được gắn sẵn vào lon. Chưa kịp rút điện thoại ra chụp hình thì một giọng nói đầy cảnh giác phía sau lưng cất lên: “Này, anh kia làm gì đấy? Có gì trong ca bin đâu mà tìm. Không ngồi yên thì cút”. Nghe vậy, chúng tôi đành ngồi im chờ anh Lương xin xong cá rồi xuống thúng trở lại ghe.

 

Một ngư dân thả lờ ghẹ trên vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong.
Một ngư dân thả lờ ghẹ trên vùng biển phía Nam vịnh Vân Phong.


Trên đường từ Hòn Lớn quay lại vùng nước cạnh Trạm Phân phối xi măng Ninh Thủy, chúng tôi gặp một “hung thần” khác đang hành nghề giã cào. Chiếc thuyền không số hiệu, công suất phải vài trăm mã lực đang oằn mình kéo dàn lưới giã cào phía sau. Thấy anh bạn tôi giơ máy quay phim lên, một người đàn ông trên thuyền hất hàm hỏi: “Tụi bây là ai mà quay phim chụp hình tàu tao vậy?”. “Dân du lịch đó mà, thấy hay nên họ quay thôi, không phải chức năng đâu mà sợ, cứ cào tiếp đi” - anh Lương giải thích. “Ừ thì nghe vậy. Làm nghề giã cào ở vùng nước ven bờ này biết là sai nhưng nghề nào sống được thì tụi tao làm thôi” - người đàn ông phân bua.


Đêm mỗi lúc một xuống nhanh, ghe được neo lại ở nơi thả lờ ghẹ. Chốc chốc, chúng tôi lại thấy ghe nảy lên sau tiếng đánh mìn nổ uỵch. Ngoài ra, ánh đèn cao áp của những tàu, thuyền hành nghề giã cào lâu lâu lại rọi vào thuyền chúng tôi để dò đường. Với việc hàng chục tàu, thuyền đêm đêm vẫn quần thảo khắp vùng biển này bằng cách đánh mìn, giã cào, nguồn lợi thủy sản ven bờ nơi đây bị cạn kiệt là điều dễ hiểu.


Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ


Tờ mờ sáng, anh Lương cũng vừa thu xong 500 chiếc lờ bắt ghẹ. Với chỉ hơn chục con ghẹ thu được, anh lắc đầu ngao ngán: “Chuyến này lại lỗ tiền dầu rồi. Cứ đà này chắc phải bán ghe, lên bờ làm nghề khác thôi”. Cùng chung nỗi buồn với anh Lương, ngư dân Nguyễn Văn Thành (phường Ninh Hải) làm nghề lưới cá mà chúng tôi gặp trên đường trở về sau chuyến biển đêm, thở dài: “Đội tàu giã cào, đánh mìn hoạt động suốt đêm khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, hiện chỉ còn khoảng 30% so với trước. Không chỉ vậy, họ còn làm hỏng ngư cụ của chúng tôi. Cứ đà này, chúng tôi chẳng còn gì để đánh bắt nữa”.

 

Ông Trần Tấn Thịnh - cán bộ khuyến ngư phường Ninh Hải: “Nguồn lợi thủy sản ven bờ ở khu vực phía Nam vịnh Vân Phong đã cạn kiệt. Ai cũng biết nguyên nhân chủ yếu là do tàu, thuyền đánh mìn của ngư dân phường Ninh Thủy và tàu giã cào của ngư dân Vạn Ninh. Biết vậy nhưng có làm gì được họ đâu. Chúng tôi kiến nghị cấp trên vào cuộc truy quét, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ đời sống của hàng trăm, nghìn gia đình đang làm các nghề lưới ghẹ, câu mực, lưới cá ven bờ”.

Theo tính toán của ông Trần Tấn Thịnh - cán bộ khuyến ngư phường Ninh Hải và các ngư dân trong phường, hiện nay nguồn lợi thủy sản ven bờ khu vực phía Nam vịnh Vân Phong đã giảm rất nhiều. Toàn phường có hơn 300 ghe thuyền hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, nhưng thời gian gần đây, hầu hết ghe thuyền cứ ra biển là lỗ tiền dầu, bởi ghẹ, mực…


đâu còn nhiều. 2 năm trước, trung bình mỗi tháng, ngư dân phường Ninh Hải khai thác được 20 tấn thủy sản các loại thì nay chưa đến 10 tấn.Chia tay những ngư dân phường Ninh Hải, tôi lại nhớ đến lời ông Võ Khắc Én - Trưởng phòng Quản lý khai thác nguồn lợi, môi trường khai thác (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh): “Nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt dần là do số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ quá nhiều. Không chỉ tàu có công suất nhỏ, ngay cả các tàu có công suất lớn cũng tham gia đánh bắt. Bên cạnh đó, vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân vẫn khai thác bằng những nghề cấm như: Sử dụng chất nổ, giã cào…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy hải sản và cả đời sống của ngư dân”. Biết thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, do khó khăn về kinh phí nên lực lượng chức năng chưa thể thường xuyên tổ chức các đợt truy quét các phương tiện khai thác thủy sản bằng chất nổ, giã cào tại vùng biển này. Mặt khác, các đối tượng trước khi ra khơi hoạt động luôn có “vệ tinh” cảnh báo nên nhanh chóng trốn thoát khi thấy bóng lực lượng chức năng. Chính vì vậy, để xử lý các đối tượng này rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thủy sản, lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương cơ sở ở thị xã Ninh Hòa.


BÍCH LA - MÃ PHƯƠNG